Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư tham vọng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cho các nhà đầu tư quốc tế.
Chiều 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp Nhật Bản. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao quyết sách hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của Nhật Bản, đồng thời bày tỏ vui mừng khi biết 15/30 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ đợt đầu từ Chính phủ Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư PPP với nhiều điểm mới, đảm bảo tính minh bạch, thuận lợi và ưu đãi trong đầu tư.
Đồng thời, bằng việc thực hiện các cam kết tiêu chuẩn cao trong các FTA như CPTPP và EVFTA, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, có môi trường đầu tư theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến.
Thủ tướng chứng kiến lễ trao MOU giữa Cục Đầu tư Nước ngoài và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, với dân số 100 triệu người và thu nhập ngày càng tăng, lại nằm trong khối ASEAN năng động có gần 650 triệu dân, thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản.
Thủ tướng cho biết rất chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đồng thời tham gia làm đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.
Để thúc đẩy đầu tư Nhật Bản sang Việt Nam, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề xuất tạo cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp với đặc điểm của ngành sản xuất, chế tạo của Nhật Bản. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng theo phương thức PPP và cho phép doanh nghiệp Nhật Bản góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.
Đặc biệt, JCCI mong muốn Chính phủ xem xét mở rộng cơ chế ưu đãi cho các công nghệ tiên tiến và các doanh nghiệp mở rộng đầu tư với quy mô lớn, xây dựng cơ chế ưu đãi cho một chuỗi sản xuất chứ không chỉ cho một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại cuộc đối thoại, các doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra nhiều vấn đề trong hợp tác đầu tư tại Việt Nam như nguồn nhân lực, phát triển một số lĩnh vực mới, công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu và phát triển...
Ghi nhận những ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền, không được để chậm trễ. Thủ tướng khẳng định tạo mọi điều kiện để việc mở rộng đầu tư của 15 doanh nghiệp Nhật Bản trong đợt đầu tiên được triển khai thuận lợi nhất, cũng như chuẩn bị tốt hơn nữa cho các đợt đầu tư tiếp theo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn như sân bay, bến cảng, dịch vụ logistics, đường bộ cao tốc và chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, khu công nghiệp để doanh nghiệp có vị trí đặt nhà máy ngay.
Lan Anh