Thứ sáu, 22/11/2024 23:15 (GMT+7)
Thứ tư, 31/03/2021 17:00 (GMT+7)

Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới và vấn đề hợp tác với các quốc gia có cùng chung nguồn nước.

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Châu Trần Vĩnh từng chia sẻ, để làm tốt công tác quản lý tài nguyên nước thì vai trò của hợp tác quốc tế là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng nhu cầu sử dụng nước và ô nhiễm nguồn nước ngày càng diễn ra phức tạp.

Về khía cạnh hợp tác nguồn nước xuyên biên giới, Việt Nam chỉ có hơn 30% nước tự sản sinh trong nội địa, còn lại hơn 60% được sản sinh từ nước ngoài chảy vào với 2 dòng chính là sông Hồng và sông Cửu Long.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang làm tương đối tốt trong việc hợp tác với các nước trong khu vực sông Mê Kông. Đặc biệt là Hiệp định Mê Kông năm 1995, nhằm giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước hạ du sông Mê Kông. Trong thời gia qua 04 nước (Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia) đã hợp tác cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông.

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã nảy sinh một số tranh chấp, mâu thuẫn tài nguyên nước tại các lưu vực sông xuyên biên giới của Việt Nam. Hợp tác chia sẻ nguồn nước luôn đối mặt với các thách thứ, được thể hiện rõ nhất qua việc chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng - Thái Bình, vốn là hai lưu vực sông lớn nhất nước ta, cũng là hai lưu vực tầm cỡ ở Đông Nam Á.

Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước - Ảnh 1
Việt Nam chỉ có hơn 30% nước tự sản sinh trong nội địa, còn lại hơn 60% được sản sinh từ nước ngoài chảy vào. (Ảnh minh họa)

Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững lưu vực sông Mê Kông

Hiệp định này ký năm 1995 giữa Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan. Hiệp định Mê Kông được coi là một hiệp định hợp tác lưu vực sông tiến bộ trên thế giới, với các điều khoản cụ thể về các quy định liên quan đến khai thác sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, tổ chức thực hiện, và trách nhiệm, quyền lợi của các bên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lưu vực. Cho đến nay, Hiệp định vẫn là cơ chế pháp lý chặt chẽ nhất và duy nhất trong lưu vực để đảm bảo các mục tiêu phát triển và bảo vệ lưu vực của các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam. Để thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Kông, Ủy hội Mê Kông quốc tế xây dựng và phê chuẩn các thủ tục về sử dụng nước nhằm đảm bảo sử dụng nước công bằng và hợp lý, cụ thể như sau: Thủ tục Trao đổi và Chia sẻ thông tin số liệu; Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận; Thủ tục Giám sát sử dụng nước; Thủ tục Duy trì dòng chảy trên dòng chính; Thủ tục Chất lượng nước.

Hiệp định về Quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia

Xuất phát từ yêu cầu tăng cường trao đổi hợp tác về sử dụng các nguồn nước dọc biên giới hai nước - Việt Nam và Campuchia thống nhất cùng nhau xây dựng một Quy chế sử dụng nước dọc biên giới Việt Nam và Campuchia từ năm 2001, trong đó đầu mối bên phía Campuchia là Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng và phía Việt Nam là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tới năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao tiếp quản làm đầu mối đàm phán xây dựng Quy chế này cho tới nay.

Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN tham gia Công ước này theo Quyết định số 818/2014/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 21/5/1997.

Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua (từ năm 1997) nhưng vẫn chưa có hiệu lực (vì chưa có đủ 35 thành viên) chính thức có hiệu lực thi hành từ Quý III năm 2014. Đây là Công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu, việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể đối với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực chung của quốc tế. Các quy định của Công ước có tính áp dụng bắt buộc đối với các quốc gia là thành viên. Trong trường hợp có một hay một số quốc gia ven nguồn nước không tham gia Công ước thì có thể sử dụng các nguyên tắc, biện pháp của Công ước làm cơ sở để đàm phán, đấu tranh hay thỏa thuận giải quyết các vấn đề phát sinh đối với nguồn nước liên quốc gia. Vì vậy, việc gia nhập

Công ước tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi cho Việt Nam tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương với các quốc gia có chung nguồn nước về hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng và xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong điều kiện Việt Nam phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn.

Bản ghi nhớ chia sẻ số liệu Khí tượng thủy văn giữa Việt Nam và Trung Quốc

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ, trong đó Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam số liệu thủy văn trong mùa lũ của một số trạm thủy văn ở thượng nguồn sông Hồng, Việt Nam cung cấp cho Trung Quốc số liệu thủy văn mùa lũ của một số trạm thủy văn trên sông Bằng Giang và sông Kỳ Cùng.

Hợp tác Mê Kông - Lan Thương

Hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông thời gian qua cũng có những bước khởi đầu tốt đẹp. Trung Quốc đã có những phản ứng thiện chí hợp tác chia sẻ lợi ích trên dòng sông chung chảy qua nhiều quốc gia mà trong đó Trung Quốc là thượng nguồn, hưởng lợi nhiều nhất. Có thể thấy đây là tín hiệu đáng mừng để Việt Nam tọa đàm với Trung Quốc trong việc hợp tác trên các lưu vực sông khác, điển hình là lưu vực sông Hồng (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương).

Minh Hải

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới