Thứ bảy, 23/11/2024 00:01 (GMT+7)
    Thứ tư, 09/12/2020 14:11 (GMT+7)

    Việt Nam cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh

    Theo dõi KTMT trên

    Sáng 9/11 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020. Nhiều vấn đề về phát triển công trình xanh đã được nêu ra.

    Mục đích của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam nhằm tạo ra một diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế chính sách; các công nghệ, sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

    Sự kiện này thể hiện sự hòa nhập của Việt Nam với xu hướng chung của thế giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Đây là bước khởi đầu đặt nền móng để Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam trở thành sự kiện thường niên của ngành xây dựng.

    Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25-67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0-3% tổng mức đầu tư/công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

    Việt Nam cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh - Ảnh 1
    Số công trình xanh ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. (Ảnh minh họa: Internet)

    Tuy nhiên, theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở 70 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

    Phát biểu khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu nỗ lực của ngành xây dựng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững.

    Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, các cam kết của Việt Nam đã và đang hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55. Trong đó, đã đặt ra các mục tiêu cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành xây dựng.

    Việt Nam cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh - Ảnh 2
    Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc Tuần lễ Công trình xanh 2020 tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

    Theo TS Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia, công trình xanh hiện đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu khi mà các công trình xây dựng ngày càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, với môi trường và hệ sinh thái.

    Ở Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Chiến lược phát năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

    Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030...

    Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh và năng lượng hiệu quả. Công trình xanh đang có nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược Phát triển Kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược "xanh hoá" ngành xây dựng; chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường - bà Loan chia sẻ.

    Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên - Công ty  Vilandco, Hội Công trình xanh Việt Nam đã xây dựng bộ công cụ lotus đánh giá công trình xanh tại Việt Nam.

    Tuy nhiên, cần nâng cấp tiêu chuẩn phù hợp hơn. Hiện nay Việt Nam có tiêu chuẩn cho công trình xây dựng là TC 09-2017 nhưng vẫn cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh để phù hợp mục đích, điều kiện tại Việt Nam.

    Hà Linh

    Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới