Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: VinFast là mô hình mẫu tạo động lực để doanh nghiệp vươn lên
Việc VinFast giới thiệu 2 mẫu xe điện tại Mỹ mang ý nghĩa vượt xa câu chuyện xuất khẩu một mặt hàng Made in Vietnam. Đó có thể là khởi đầu để doanh nghiệp Việt thay đổi căn bản, dám lớn mạnh, dám vươn ra thế giới và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu.
Đó là kỳ vọng của PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong hành trình vượt đại dương của doanh nghiệp Việt với khởi đầu từ VinFast.
Cơ hội để thay đổi lịch sử
Cảm nghĩ đầu tiên của ông là gì khi chứng kiến sự xuất hiện của một hãng ô tô Việt Nam tại một triển lãm hàng đầu thế giới như Los Angeles Auto Show, thưa ông?
- Phải khẳng định trước hết đó là sự tự hào, không chỉ là “tự hào doanh nghiệp” mà là “tự hào dân tộc”. Lần đầu tiên, chúng ta có một doanh nghiệp mang cờ Việt sang trung tâm lớn nhất về ô tô của thế giới. Từ trước tới nay, nhiều doanh nghiệp Việt phải tìm cơ hội ở thị trường kém phát triển, nơi các nước “giàu” không mấy mặn mà. Tới bây giờ, chúng ta đã bước những bước ngạo nghễ ở nơi trung tâm nhất, sôi động nhất trên trường quốc tế. Tự hào lắm chứ!
Đó là lời tuyên bố, thể hiện sự vươn lên của cả quốc gia để bước vào giai đoạn mới với những đòi hỏi cao hơn về công nghệ, trí tuệ. Chúng ta có quyền tự hào vì ý nghĩa to lớn ấy.
VinFast đã có những thành công nhất định tại thị trường Việt Nam, nhưng Mỹ nổi tiếng là thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Theo ông, việc VinFast chọn một điểm đến như vậy trong những bước đi đầu tiên ra thế giới liệu có quá gấp gáp không?
- Tôi không cho là như vậy. Thế giới đang chuyển động rất nhanh và xe điện là tương lai rõ ràng. Hiện giờ, cuộc đua về xe điện vẫn được coi là đang ở vạch xuất phát. So với thế giới, Việt Nam khởi đầu không hề muộn và hoàn toàn có cơ hội chinh phục thị trường. Vấn đề hiện tại là làm sao doanh nghiệp Việt phải “lớn lên” để chớp cơ hội ấy. Áp lực của VinFast là phải tăng cường năng lực tự thân tốt nhất để có thể chinh phục được khách hàng quốc tế. Nhưng đấy cũng chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp trưởng thành dù có thể phải nỗ lực gấp nhiều lần. Bởi thế, tôi không coi việc VinFast đến Mỹ là gấp gáp, ngược lại, hiện tại là đúng thời điểm.
Lâu nay, chúng ta vẫn quen với hình ảnh những đặc sản truyền thống Việt tiến ra thế giới như nông sản, dệt may. Việc mang một sản phẩm hiện đại, hàm lượng công nghệ cao có vẻ là bước đi “ngược truyền thống”, thưa ông?
- Thế giới đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Việt Nam không thể mãi dựa vào đặc sản truyền thống. Việt Nam cần được nhớ đến không chỉ với nông nghiệp mà phải là một nền công nghiệp công nghệ cao. Ta phải làm ra những sản phẩm có tầm cỡ về chất lượng, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thế giới và VinFast với ô tô điện chính là một bước để tạo cú hích ban đầu có tính lịch sử.
Tạo ra sự thay đổi căn bản cho nền kinh tế
Ông đánh giá thế nào về triển vọng của VinFast tại Mỹ?
- Nói về triển vọng, chúng ta hãy nhớ đến Hàn Quốc. Khi người Hàn bắt đầu làm ô tô, thế giới nói rằng, Mỹ, Nhật Bản làm ô tô từ lâu rồi, Hàn Quốc làm sao cạnh tranh được. Thế rồi, kết quả ra sao ai cũng thấy, xe Hàn có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Việt Nam với những người đi đầu như VinFast cũng có thể làm được điều ấy. Thế giới đang thay đổi nhanh và luôn có cơ hội cho doanh nghiệp mới, đặc biệt là với những doanh nghiệp có khả năng làm ra những sản phẩm chất lượng và dịch vụ khác biệt như VinFast.
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Việt từng tiến ra thế giới nhưng đó gần như chỉ là một “cuộc dạo chơi”. Hành trang ra biển lớn của VinFast liệu có khác biệt gì?
- Theo tôi, VinFast có sự khác biệt trước hết ở tầm nhìn vươn tới toàn cầu, ở sự dũng cảm, dám chấp nhận thách thức, mà thách thức này không hề nhỏ. Thứ nữa là trong hành trang của VinFast còn có nội lực công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực tầm cỡ, mạng lưới đối tác lớn,... Như vậy, là đã có sự chuẩn bị để đối mặt với thách thức. Đó cũng là sự khác biệt. Bởi ra thế giới mà lại vào Mỹ thì đúng là không phải là “cuộc dạo chơi”. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt. Cần phải chuẩn bị, cần phải thích nghi.
Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rõ, sự vươn lên này không phải chuyện riêng của doanh nghiệp mà phải là câu chuyện của cả quốc gia, dân tộc để sánh vai với các cường quốc. Bởi thế, mỗi bước đi đòi hỏi đằng sau đó là tổng hợp sự giúp sức của các chủ thể liên quan, từ nhà khoa học, đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và đặc biệt là Chính phủ với những chính sách hỗ trợ cụ thể. Cần tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ giúp doanh nghiệp có thể "thi tài" trên thế giới thì chúng ta mới có tên trên bản đồ thế giới.
Như ông đã nói, VinFast là mẫu hình có thể giúp doanh nghiệp Việt thay đổi lịch sử. Ông kỳ vọng gì vào mẫu hình ấy, thưa ông?
- Sức tác động của câu chuyện này vượt xa ý nghĩa của việc Việt Nam xuất khẩu một sản phẩm ra thế giới. Ngoài mang lại nguồn lợi cho GDP, điều quan trọng là chúng ta có thể khẳng định khả năng vươn lên, tham gia được vào lĩnh vực công nghệ là lĩnh vực quyết định cạnh tranh trong tương lai, khẳng định rằng Việt Nam có thể có những doanh nghiệp có thể có vai trò lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đó sẽ là sự thay đổi căn bản cho nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt ở nhiều lĩnh vực sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị này và cùng lớn mạnh.
Sức tác động của sự kiện này còn ở "màu cờ sắc áo" của quốc gia, dân tộc. Tức là việc VinFast bước ra thế giới sẽ là hình mẫu để các doanh nghiệp Việt khác cũng dám nghĩ, dám làm, dám vươn ra thế giới, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, sẵn sàng thích ứng để phát triển. Đó là hình mẫu của khát vọng, động lực vươn lên, là khởi đầu của sự thay đổi và trưởng thành có tính lịch sử rất cần thiết và rất cần phải sớm xảy ra cho một quốc gia đang mong muốn trở thành một nước thu nhập trung bình cao như Việt Nam. Trong một bối cảnh có nhiều thay đổi và xảy ra rất nhanh như hiện nay, không làm lúc này để chớp cơ hội vươn lên thì còn đợi đến lúc nào?
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Tiền Phong