VIASEE đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ
Trung tâm Kinh tế Môi trường (EEC) trực thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam được thành lập từ năm 2018, là đơn vị có chức năng nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học, chuyên gia của TW Hội.
Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường về những hoạt động của Trung tâm trong thời gian qua, đóng góp cho sự phát triển chung của TW Hội.
Thưa ông, vai trò và hoạt động của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về khoa học - công nghệ trong thời gian qua như thế nào, tính phản biện được thể hiện rõ nét ra sao?
- Trước hết, chúng ta phải thống nhất với nhau về khái niệm kinh tế môi trường (KTMT) là gì. Hiện nay, khái niệm này chưa rõ ràng. KTMT có phải là ngành khoa học độc lập hay nó chỉ là chuyên ngành của một ngành khoa học nào đó? Khoa học kinh tế cho rằng, KTMT là một mảng của khoa học kinh tế, trong đó các quy luật kinh tế được áp dụng cho các vấn đề môi trường. Còn khoa học môi trường thì vẫn quan niệm rằng kinh tế là một hoạt động của con người, nghiên cứu mối quan hệ giữa hoạt động của con người với môi trường. Vì vậy, KTMT là một nội dung của khoa học môi trường.
Theo tôi, KTMT là một ngành khoa học hiện nay chưa hình thành một cách đầy đủ, nghiên cứu mối quan hệ phức tạp và tác động qua lại giữa kinh tế và môi trường. Các trường đại học và các viện nghiên cứu ở Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến KTMT. Vì vậy, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nơi tập hợp các nhà khoa học hàng đầu đất nước về lĩnh vực kinh tế môi trường, phải giữ vai trò dẫn dắt trong việc phát triển ngành khoa học KTMT.
Qua đó, phải làm rõ nội hàm của ngành khoa học mới này, triển khai các nghiên cứu lý luận và các ứng dụng thực tế của KTMT nhằm phát triển tương xứng với tầm quan trọng của ngành khoa học đó; Có nghĩa là phải đẩy mạnh mảng nghiên cứu và ứng dụng khoa học KTMT. Theo tôi, kinh tế môi trường có những mảng nghiên cứu khoa học rất rõ ràng, như: Kinh tế Tài nguyên, Kinh tế ô nhiễm, Kinh tế sinh thái,…
Bên cạnh đó, đây còn là những công cụ kinh tế được áp dụng vào trong mảng môi trường. Chẳng hạn như vấn đề rác thải trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ sử dụng công cụ lệ phí thu gom rác thì làm thế nào giải quyết được vấn đề rác thải đang trở nên bức xúc trên mọi miền đất nước. Quan hệ kinh tế - môi trường ở bình diện quốc tế hay trong nước đang có sự phối hợp và tương tác với nhau.
Trong các hiệp định kinh tế có các yêu cầu về môi trường để khống chế, ngược lại, trong các hiệp định môi trường thường có các cơ chế kinh tế để điều tiết và kiểm soát. Ví dụ, trong Nghị định thư Kyoto hay Thỏa thuận Paris có các cơ chế kinh tế như: Chứng chỉ cacbon để kiểm soát và điều tiết thực hiện. Trong khi đó, các hiệp định thương mại kiểu mới như EVFTA thường có các nội dung và chỉ tiêu môi trường để kiểm soát. Do đó, TW Hội cũng cần quan tâm đến việc nghiên cứu và áp dụng các công cụ KTMT vào những nội dung phát triển của đất nước.
Với vai trò phản biện, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tham gia cùng với Liên hiệp Hội Việt Nam phản biện hàng loạt những vấn đề kinh tế có mối quan hệ rất chặt với môi trường, hoặc tham gia phản biện những vấn đề môi trường từ góc độ kinh tế, như: Phản biện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; Dự án khai thác than nâu Đồng bằng sông Hồng; Các dự án phát triển thủy điện, nhiệt điện,…
Đặc biệt, trong thời gian qua, chúng tôi đã tham gia và đưa những kiến nghị của TW Hội lên các cơ quan Trung ương về vấn đề bauxite nhằm phát triển khai thác một tiềm năng kinh tế rất lớn của đất nước (nếu chỉ dừng ở mức sản xuất alumin có thể mang về cho đất nước khoảng 900 tỉ USD và lợi nhuận đến 450 tỉ USD, còn lớn hơn GDP của cả nước hiện nay khoảng hơn 300 tỉ USD). Đây là một kiến nghị rất mạnh dạn và được trình bày một cách khoa học nhằm thuyết phục các cơ quan cấp trên có những thay đổi chính sách phát triển ngành khai thác bauxite và công nghiệp nhôm.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học của TW Hội cũng đề xuất hàng loạt giải pháp để vượt qua rào cản “bùn đỏ” trong chế biến bauxite bằng công nghệ bayer. Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, TW Hội sẽ thực hiện những hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Vai trò và hoạt động của Trung tâm Kinh tế Môi trường trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ của TW Hội trong thời gian qua?
- Vai trò của Trung tâm Kinh tế Môi trường đã được TW Hội Kinh tế Môi trường đánh giá cụ thể về hiệu quả. Nếu như một cơ quan, tổ chức chỉ đưa ra được lý luận về vấn đề nào đó thì rõ ràng việc đưa lý luận đó vào thực tế sẽ gặp khó khăn và không hiệu quả. Điều cần thiết phải có những tổ chức mang tính ứng dụng và Trung tâm Kinh tế Môi trường ra đời chính là để giải quyết vấn đề này.
Trung tâm KTMT là nơi chuyển tải những kiến thức về khoa học KTMT, những vấn đề ứng dụng về KTMT cho các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Trung tâm đã có những hoạt động thiết thực, cụ thể, như tham gia vào vấn đề nghiên cứu để xử lý việc đốt rác có hiệu quả; Vấn đề an toàn môi trường đối với hoạt động khai thác bauxite. Sắp tới, Trung tâm Kinh tế Môi trường sẽ giải quyết những vấn đề thử nghiệm thu hồi những tài nguyên có giá trị từ bùn đỏ. Chắc chắn những vấn đề này sẽ được các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Ngoài ra, Trung tâm cũng sẵn sàng tham gia tập huấn, giảng dạy hay huấn luyện, tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý môi trường phù hợp như: Xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001; Tập huấn cho doanh nghiệp Việt Nam làm thế nào để vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật của các Hiệp định thương mại...
Cùng với sự phát triển của TW Hội Kinh tế Môi trường, Trung tâm Kinh tế Môi trường tuy còn non trẻ nhưng đã gặt hái được nhiều thành tựu bước đầu. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Trung tâm được thừa kế kinh nghiệm và nguồn lực của Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ về kinh tế môi trường đã được TW Hội thành lập từ năm 2018. Tuy mới được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép hoạt động ngày 17/08/2020; Trung tâm Kinh tế Môi trường đã ký được nhiều hợp đồng nghiên cứu và tư vấn với một số đơn vị, đưa ra những giải pháp hợp lý nhất về xử lý môi trường. Các lĩnh vực hoạt động hiện nay của Trung tâm đang tập trung vào các nội dung chính sau:
Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường và KTMT với hướng nghiên cứu chính là bảo vệ môi trường, tái sử dụng chất thải từ hoạt động khai thác bauxite, sản xuất alumin; Đốt rác; Phát triển năng lượng;…
Tiến hành thực hiện các lớp tập huấn cho các sở, ban ngành và địa phương về các vấn đề về môi trường cấp bách và kinh tế môi trường như: BĐKH, an ninh môi trường, an toàn thực phẩm, các rào cản môi trường trong các hiệp định thương mại như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) và hàng loạt các Hiệp định thương mại mới mà chúng ta vừa ký kết.
Tư vấn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý môi trường và phát triển bền vững, như: Tư vấn xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.001, thực hiện kiểm toán môi trường, đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường,…
Địa bàn hoạt động của Trung tâm đang tiếp tục để mở rộng trong phạm vi cả nước, các đối tác phối hợp nghiên cứu và triển khai các dịch vụ khoa học là các trường đại học có thế mạnh về môi trường, các cơ quan nghiên cứu và quản lý môi trường trung ương và cấp tỉnh, các doanh nghiệp kinh tế Nhà nước và tư nhân.
Xin ông cho biết những nội dung khoa học công nghệ mà Tạp chí KTMT cần quan tâm hơn nữa?
- TW Hội Kinh tế Môi trường là nơi tập hợp những nhà khoa học hàng đầu về KTMT ở Việt Nam như GS.TS Hoàng Xuân Cơ, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, tôi cùng nhiều nhà khoa học khác nữa… Chúng ta nên đẩy cao tính học thuật và Tạp chí Kinh tế Môi trường nên có chuyên đề học thuật.
Vấn đề thứ hai tôi nói về bauxite Tây Nguyên là một mô hình rất đẹp để TW Hội và Tạp chí Kinh tế Môi trường đưa thành học thuật về KTMT. Tôi nghĩ, chúng ta cần phải làm rõ về mặt học thuật ngành môi trường đang phát triển như kinh tế tuần hoàn đối với lĩnh vực bauxite Tây Nguyên.
Sắp tới, Trung tâm Kinh tế Môi trường sẽ cùng với cộng sự của mình sẽ đi sâu vào vấn đề đó hoặc có thể xây dựng thêm những thước phim ngay từ đầu để cho cộng đồng thấy hiệu quả từ những nghiên cứu của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước.
Tôi nghĩ rằng, Tạp chí Kinh tế Môi trường nên tăng cường xuất bản ấn phẩm mang tính học thuật khoa học KTMT.
Trân trọng cảm ơn ông!
Doãn Kiên - Quang Huy (Thực hiện)