Vì sao trời nhiều mây nhưng chỉ số UV ở mức rất cao?
Trời nhiều mây, mưa rải rác nhưng tia UV tại nhiều tỉnh vẫn ở ngưỡng cao đến rất cao. Chuyên gia cho rằng do thời điểm mây mỏng, mặt trời chiếu qua khiến chỉ số UV cao.
Những ngày qua, trời nhiều mây, mưa rải rác ở hầu hết tỉnh, thành trên cả nước. Riêng tại Trung Bộ, mưa lũ liên tục nhiều ngày do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Dù vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 11 đến 13/10, chỉ số UV sẽ đạt cực đại tại nhiều tỉnh. Hôm nay, nhiều tỉnh cũng có chỉ số UV ở mức nguy hại cao.
Tia cực tím ở mức gây hại cao trong 3 ngày
Hôm nay, Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), TP.HCM được dự báo có chỉ số UV ở mức rất cao (7,5-10,4 đơn vị) lúc 12h. Tương tự, Nha Trang (Khánh Hòa) và Cần Thơ cũng đạt ngưỡng cao (5,5-7,4 đơn vị). Trong khi đó, Huế, Đà Nẵng và Cà Mau có chỉ số UV cao nhất trong ngày ở ngưỡng trung bình (2,5-5,4 đơn vị).
Trong 3 ngày tiếp theo, dự báo chỉ số UV cực đại tiềm năng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước ở mức có nguy cơ gây hại cao. Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM có chỉ số UV trong khoảng từ 6 đến 8 đơn vị.
Riêng một số tỉnh, thành phố có chỉ số UV nguy cơ gây hại trung bình, gồm: Huế (ngày 11-12/10), Đà Nẵng (ngày 11-13/10), Hội An (ngày 11/10), Cần Thơ (ngày 12-13/10), Cà Mau (ngày 13/10).
Lý giải nguyên nhân trời nhiều mây nhưng chỉ số UV vẫn ở ngưỡng cao, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết có thời điểm mây mỏng đi; lúc này, tia mặt trời xuyên qua lớp mây mỏng, mang theo tia UV, nên chỉ số UV đo được ở mức khá cao.
Cũng theo chuyên gia, khi mây dày hơn và trời có mưa, nắng không xuyên qua được lớp mây thì tia UV cũng không còn.
Nguy cơ bỏng da
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo khi chỉ số UV mức 8-10, nếu người dân ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời, nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA của tế bào da.
Theo bác sĩ Vũ, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, lão hóa nhanh và có thể gây ung thư da. Da bị bỏng nhiệt sẽ phồng rộp, đỏ, đau.
Bác sĩ Lê Đức Thọ, chuyên khoa Da liễu, cho hay bức xạ tia cực tím hay các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời rất nguy hại đến làn da vì đây là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp.
Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thời gian dài, da có thể gặp các vấn đề như sạm, lão hóa, bỏng nắng, ung thư và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm.
ThS. BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết tia cực tím có thể gây hại cho da bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, da bị tác động nhiều hơn vào những tháng mùa hè, nắng nóng cao điểm khi mức độ tiếp xúc của chúng ta cao hơn.
Để bảo vệ da, mọi người cần có các biện pháp che chắn khi ở ngoài trời nắng và các biện pháp chăm sóc da như dùng kem chống nắng, sử dụng dưỡng ẩm chăm sóc da...
Thu Hằng