Thứ sáu, 22/11/2024 16:07 (GMT+7)
    Thứ tư, 11/11/2020 11:51 (GMT+7)

    Vì sao thông xe đường vành đai 2, Ngã Tư Sở vẫn ùn tắc kéo dài?

    Theo dõi KTMT trên

    Dù đường vành đai 2 trên cao đã được thông xe nhưng vào các giờ cao điểm trên tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (Hà Nội) lượng xe tham gia giao thông rất đông khiến đoạn đường này ùn tắc kéo dài.

    Từ ngày 9/11, đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) chính thức được thông xe. Việc thông xe đường vành đai 2 trên cao được kỳ vọng sẽ giúp giao thông khu vực đường Trường Chinh, đặc biệt tại nút giao Ngã Tư Sở được giảm tải.

    Thế nhưng, chỉ sau 1 ngày thông xe, tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao thông Ngã Tư Sở lại tái diễn vào giờ cao điểm. Theo phản ánh của người dân sinh sống hai bên đường, việc cho phép phương tiện lưu thông ở đường trên cao và phân luồng giao thông như hiện nay chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn khiến tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.

    Vì sao thông xe đường vành đai 2, Ngã Tư Sở vẫn ùn tắc kéo dài? - Ảnh 1
    Ngã Tư Sở ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm sau khi thông xe đường vành đai 2 trên cao. (Ảnh: Báo Người lao động)

    Theo phân luồng giao thông, phương tiện xe ôtô được phép lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại). Cấm các phương tiện xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại).

    Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi thông xe đường vành đai 2 trên cao lượng xe dồn về đây nhanh và nhiều hơn; đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Trường Chinh - Tây Sơn kéo tới 90 giây đèn đỏ, 40 giây đèn xanh cũng khiến tình trạng ùn ứ kéo dài cả trăm mét khi lượng xe đổ về đây nhiều.

    Việc phương tiện lưu thông ở đường trên cao không bị điều tiết bởi các nút đèn giao thông nên đổ về nút Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở nhanh cũng được cho là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại nút Ngã Tư Sở.

    Trước tình trạng trên, chiều 10/11, Sở GTVT Hà Nội tổ chức cuộc họp đơn vị liên quan để bàn giải pháp giải quyết vấn đề này.

    Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GTVT yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát phương án thi công, tổ chức giao thông và có giải pháp hiệu quả cho thực trạng trên.

    Đại diện Sở GTVT cho hay, CSGT cần phải tính toán lại theo hướng ưu tiên hơn cho dòng phương tiện từ đường Vành đai 2 qua nút giao để tránh xung đột các phương tiện.

    Vì sao thông xe đường vành đai 2, Ngã Tư Sở vẫn ùn tắc kéo dài? - Ảnh 2
    Các phương tiện đổ về khiến con đường càng trở nên ùn tắc. (Ảnh: Báo Người lao động)

    Đồng thời, vị này cho rằng phạm vi dự án tại nút Ngã Tư Vọng cần phải thu hẹp lại ở phía Đại La - Minh Khai để ưu tiên cho các dòng phương tiện từ đường trên cao xuống nút giao.

    Trong khi đó, Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ cử lực lượng túc trực thường xuyên để điều tiết, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm và tính toán lưu lượng phương tiện để có giải pháp phù hợp.

    Trao đổi với báo Tiền phong, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay, thời gian phương tiện từ đường Trường Chinh - Vành đai 2 chờ đèn đỏ để đi sang đường Láng, Nguyễn Trãi là 70 giây. Ông Hiệp cho rằng, CSGT cần phải tính toán lại theo hướng ưu tiên hơn cho dòng phương tiện từ đường Vành đai 2 qua nút. Với nhà đầu tư, ông Hiệp đề nghị, phạm vi dự án tại nút Ngã Tư Vọng cần phải thu hẹp lại ở phía Đại La - Minh Khai để ưu tiên cho các dòng phương tiện từ đường trên cao xuống nút giao.

    Dự án tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng được UBND TP.Hà Nội khởi công vào tháng 4/2018.

    Đây là dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, có chiều dài 5,1 km, rộng 19 m.

    Còn phần đường vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng dài 3,1 km sẽ được mở rộng với mặt cắt 53,5 - 63,5 m, quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn xe dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4 m ở giữa và vỉa hè rộng 4-6 m mỗi bên...

    Dự án có phạm vi đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 2018 - 2020. Giai đoạn 1 từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở có thể thi công trong vòng 15 tháng với điều kiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách TP.

    Nhật Hạ

    Bạn đang đọc bài viết Vì sao thông xe đường vành đai 2, Ngã Tư Sở vẫn ùn tắc kéo dài?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới