Thứ hai, 25/11/2024 20:45 (GMT+7)
Thứ năm, 24/08/2023 15:00 (GMT+7)

Vì sao phải di dời khu dân cư bãi giữa Sông Hồng?

Theo dõi KTMT trên

Theo Quy hoạch số 257/2016, quyết định 429/2023 của Thủ tướng xác định Bắc Cầu là một trong 10 khu dân cư phải di dời trong Quy hoạch phân khu sông Hồng.

Hiện trạng dễ sạt lở cần di dời cụm dân cư

Cụm dân cư Bắc Cầu (bãi giữa sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ. Vì vậy, tại quy hoạch 257/2016, quyết định 429/2023 của Thủ tướng xác định Bắc Cầu là khu dân cư cần phải di dời.

Cụ thể, tại Quy hoạch 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023), phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, khu vực dân cư Bắc Cầu nằm sát bờ ngã ba sông Hồng và sông Đuống, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ nên cần phải di dời.

Vì sao phải di dời khu dân cư bãi giữa Sông Hồng? - Ảnh 1
Tổng quan quy hoạch phân khu sông Hồng. (Ảnh:ITN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xác định khu vực dân cư Bắc Cầu là khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ, không phải di dời như kiến nghị của cử tri địa phương tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội là chưa phù hợp với Quyết định số 257/QĐ-TTg và Quyết định số 429/QĐ-TTg.

Quyết định số 257 của Thủ tướng nêu: Khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ phải đáp ứng một trong các tiêu chí là khu phố cổ, làng cổ theo quy định tại Luật Đê điều; diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 5 hecta và có từ 400 người (hoặc 100 hộ) trở lên; diện tích lớn hơn 5 hecta và có mật độ dân cư từ 80 người/hecta (20 hộ/hecta) trở lên, trong đó không được quy đổi khu vực có mật độ dân cư cao bù cho khu vực có mật độ dân cư thấp; có cao độ nền tự nhiên khu dân cư cao hơn mực nước lũ thiết kế đê.

Theo đó, số hộ thuộc diện di dời của khu dân cư Bắc Cầu là hơn 700 hộ, nhưng thực tế hiện nay chỉ tính riêng tổ dân phố 38 đã đạt đến con số này. Ngoài ra, Bắc Cầu có đến 4 tổ dân phố nên con số hiện lên đến hàng nghìn gia đình.

Được biết, các hộ dân này chủ yếu sống dựa vào nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, hay chỉ đơn thuần sống cảnh “gạo chợ, nước sông” và canh tác nông nghiệp. Do đó, nếu phải di dời, đa số người dân cho biết, họ mong muốn được sinh sống trên mảnh đất ông cha để lại. Bởi, cuộc sống qua nhiều thế hệ đã quen thuộc và không biết làm gì để kiếm kế sinh nhai nếu phải rời đi.

Cần có lộ trình di dời các khu vực dân cư

Trước đó, theo quy hoạch đô thị sông Hồng, cụm dân cư Bắc Cầu (Long Biên) là một trong những khu vực thuộc diện phải di dời sẽ thực hiện quản lý theo đúng quy định tại Luật Đê điều. Việc di dời các khu dân cư hiện có ngoài đê sông Hồng sẽ được thực hiện thế nào nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và dư luận.

Theo Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội - Lưu Quang Huy, đồ án quy hoạch xác định, xây dựng kế hoạch và lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, mất an toàn khi có lũ lớn. Các hộ dân vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi ảnh hưởng về đê điều. Khu vực đang bị sạt lở theo quy định và lộ trình giãn dân đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt tại khu vực.

Các đồ án quy hoạch phân khu đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai sông.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, quy hoạch phân khu được duyệt đã tuân thủ yêu cầu thoát lũ theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành phố chủ trương lấy phòng, chống lũ là mục tiêu hàng đầu khi phê duyệt đề án. Do đó, những khu dân cư được tồn tại sẽ phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng, kỹ thuật, bảo tồn đất và phát triển chức năng sẵn có.

Theo quy hoạch được duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Thành Phong

Bạn đang đọc bài viết Vì sao phải di dời khu dân cư bãi giữa Sông Hồng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới