Thứ bảy, 23/11/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ tư, 06/11/2019 10:00 (GMT+7)

Vì sao ông 'trùm' cao tốc VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỉ tiền thuế?

Theo dõi KTMT trên

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa thông tin chính thức cưỡng chế thu hơn 1.000 tỉ tiền thuế đối với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với dự án đầu tư, từ ngày 1/7/2016 đến năm 2017, Cục Thuế TP. Hà Nội đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho VEC 9 đợt, tổng số tiền hoàn thuế là 949.737.335.197 đồng theo hình thức hoàn thuế trước kiểm tra sau.

Vì sao ông 'trùm' cao tốc VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỉ tiền thuế? - Ảnh 1
Cục thuế TP. Hà Nội đã ban hành 5 quyết định, thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của VEC tại 5 ngân hàng thương mại, thời gian cưỡng chế từ ngày 4/6/2019 đến hết ngày 3/7/2019 (30 ngày), số tiền cưỡng chế ghi trong các quyết định nêu trên là 1.033.205.883.774 đồng.

Trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng đối với VEC, Cục Thuế TP. Hà Nội đã phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư.

Trên cơ sở đó, căn cứ quy định của Luật Quản lý thuế và kết quả thanh tra sau hoàn thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ban hành 02 quyết định thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đối với VEC, số tiền 949.737.335.197 đồng đã hoàn cho VEC trước đó, tiền chậm nộp phải nộp 83.468.548.577 đồng, tổng số thuế phải thu hồi và tiền chậm nộp 1.033.205.883.774 đồng.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trong quá trình đôn đốc thu hồi số tiền hoàn thuế và tiền chậm nộp nêu trên, đơn vị đã hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho VEC liên hệ với Bộ chủ quản để xử lý sai sót cũng như thu xếp nguồn tài chính để thực hiện hoàn trả ngân sách Nhà nước nhưng VEC vẫn chưa thực hiện quyết định của cơ quan thuế.

Vì vậy, ngày 28/5/2019 Cục thuế TP. Hà Nội đã ban hành 5 quyết định, thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của VEC tại 5 ngân hàng thương mại, thời gian cưỡng chế từ ngày 4/6/2019 đến hết ngày 3/7/2019 (30 ngày), số tiền cưỡng chế ghi trong các quyết định nêu trên là 1.033.205.883.774 đồng.

Tài sản tăng mạnh nhưng lại tỉ lệ nghịch với lãi xuất giảm sâu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018, VEC ghi nhận doanh thu thuần 3.225 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 460 tỉ đồng so với năm 2017.

Năm 2018 do giá vốn bán hàng chỉ 635 tỉ đồng nên lợi nhuận gộp tăng mạnh, đạt 2.589 tỉ đồng.

Vì sao ông 'trùm' cao tốc VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỉ tiền thuế? - Ảnh 2
Cục Thuế TP. Hà Nội khẳng định ngoài biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Cục Thuế TP. Hà Nội không đề nghị các Ngân hàng phong tỏa tài khoản, không thực hiện khấu trừ lương, thu nhập của người lao động của VEC.

Mặc dù vậy, trong năm vừa qua, các khoản chi phí của VEC đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính lên tới 2.888 tỉ đồng (trong đó chi phí lãi vay là 735 tỉ đồng), cao gấp 3,5 lần so với năm 2017; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 61 tỉ đồng lên 84 tỉ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm sút trầm trọng từ 938 tỉ đồng xuống còn 3,8 tỉ đồng.

Ngoài ra, VEC cũng ghi nhận khoản lãi tại các công ty liên doanh liên kết 1,1 tỉ đồng. Kết quả, năm 2018, VEC ghi nhận mức lãi ròng chỉ 2,4 tỉ đồng (trong khi năm 2017 tới 936 tỉ đồng), trong đó lợi nhuận của Công ty mẹ vỏn vẹn chỉ 582 triệu đồng, trong khi năm 2017 đạt xấp xỉ 935 tỉ đồng.

Chiếu theo báo cáo tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2018, VEC đang có khối tài sản 96.556 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 89.140 tỉ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 19.676 tỉ đồng (hàng tồn kho chiếm tới 26,6 tỉ đồng) và tài sản dài hạn là 76.880 tỉ đồng (chủ yếu là tài sản cố định).

Đáng chú ý, cũng tính đến hết năm 2018, nợ phải trả của VEC là 87.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 19.672 tỉ đồng và nợ dài hạn 67.327 tỉ đồng (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỉ đồng.

Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 9 lần, tương đương chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn. Với việc nợ vay cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu của công ty đã đặt ra dấu hỏi về nguy cơ an toàn tài chính của VEC.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tính đến thời điểm hết năm 2018, chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) với tổng dư nợ cuối kỳ hơn 31.200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, VEC còn nợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỉ đồng và Ngân hàng Thế giới với hơn 5.400 tỉ đồng.

Trong phần báo cáo chi tiết nêu rõ, hầu hết các hợp đồng vay được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án đường cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi... với thời hạn thanh toán dao động từ 16 đến 40 năm.

Đáng nói, do lượng vay ngoại tệ rất lớn bằng Yên Nhật và USD để đầu tư các dự án nên biến động tỉ giá tác động rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC. Năm 2018, lỗ chênh lệch tỉ giá của VEC tăng vọt lên gần 2.200 tỉ đồng so với mức 368 tỉ đồng của năm trước, đây là một trong những nguyên nhấn khiến ông trùm đường cao tốc giảm lợi nhuận không phanh.

Ngoài ra, về nợ vay ngắn hạn, VEC đang có khối nợ 12,7 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Đông Sài Gòn. Đồng thời, doanh nghiệp này còn khoản nợ 8.000 tỉ đồng gốc và lãi trái phiếu phải trả Bộ Tài chính.

Cũng trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, đến ngày 31/12/2018, VEC ghi nhận gần 900 triệu đồng khoản nợ xấu, trong khi giá trị có thể thu hồi chỉ là 164 triệu đồng. Các khoản nợ xấu tập trung tại các Công ty CP Huy Phương, Công ty TNHH Xây dựng Nhà Đẹp, Công ty CP Beton6...

Cục Thuế TP. Hà Nội khẳng định ngoài biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Cục Thuế TP. Hà Nội không đề nghị các Ngân hàng phong tỏa tài khoản, không thực hiện khấu trừ lương, thu nhập của người lao động... như nội dung VEC phản ánh trong công văn 2398/CV-VEC gửi Bộ Tài chính.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế để đôn đốc thu hồi nợ vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh để có dòng tiền nộp Ngân sách Nhà nước.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ông 'trùm' cao tốc VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỉ tiền thuế?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới