Vì sao Nhà máy xử lý nước thải hơn 16 nghìn tỉ đồng chưa thể đưa vào hoạt động ?
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng. Đến nay, sau hơn 6 năm khởi công dự án vẫn ngổn ngang chưa thể hoàn thành.
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công từ tháng 10/2016. Nhà máy xử lý nước thải Yên xá được xây dựng trên khu đất rộng 13,8 hecta cạnh đại lộ Chu Văn An. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một phần của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỉ đồng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.
Nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Đây cũng trở thành một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải.
Theo dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2022. Sau khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. Mặc dù có nhiều cố gắng để thi công, hoàn thiện các hạng mục quan trọng, tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay, dự án này đang chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, đang trong quá trình xây dựng và chưa thể đưa vào vận hành.
Để góp phần giải quyết các vướng mắc, nhiều lần lãnh đạo TP Hà Nội đã đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Mới đây nhất, Đoàn giám sát số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban QLDA ĐTXD công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban QLDA ĐTXD công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp cho biết hiện dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khu vực nhà máy với diện tích 138.185m2; thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và lựa chọn nhà thầu thi công cho 4 gói thầu xây lắp.
Lũy kế giải ngân đến nay là 3.062,026 tỉ đồng, với thời gian thực hiện trong giai đoạn 2013-2021. Tuy nhiên, do dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến gói thầu số 3, 4 mới hoàn thành được 10% và 20% khối lượng hợp đồng.
Theo báo cáo, hiện nay, UBND thành phố đã đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025. Đồng thời, Ban đang tập trung quyết liệt, đôn đốc các đơn vị thực hiện phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành dự án.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thị sát một loạt dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Qua đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các bên liên quan phải hợp tác chặt chẽ để cùng đẩy nhanh tiến độ, đưa nhà máy về đích, phấn đấu trở thành công trình kiểu mẫu trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Phát biểu trong buổi kiểm tra tiến dộ dự án ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa dân sinh lớn, thuộc danh mục đầu tư trong Chương trình của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".
Công trình hoàn thành sẽ cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng cách phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.
Để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành để thực hiện xử lý 27% trong tổng số 55% lượng nước thải toàn thành phố, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ban quản lý dự án cần nhanh chóng triển khai theo tiến độ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, do dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nên việc triển khai thực hiện các thủ tục của dự án phải hài hòa giữa Luật pháp Việt Nam và quy định của Nhà Tài trợ - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mất nhiều thời gian.
Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến việc đi kiểm tra các thiết bị nhà máy thuộc gói thầu số 1 không thể thực hiện được; các nhà sản xuất, cung cấp cũng bị ảnh hưởng trong sản xuất, chế tạo dẫn đến chậm giao hàng, không thể vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam…
Cùng với đó, công tác thi công của gói thầu gồm nhiều tuyến trải dài, liên quan đến địa bàn nhiều quận, phường trên địa bàn thành phố; khu vực thi công tiềm ẩn nhiều các công trình ngầm, nổi nên gặp nhiều khó khăn...
Ngoài ra, thủ tục xin cấp phép thi công, phân luồng giao thông, thống nhất biện pháp dẫn dòng thi công, dịch chuyển di dời cây xanh, di chuyển các công trình ngầm, nổi... cần phải làm việc với nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị; một số hạng mục thi công sát nhà dân không nhận được sự đồng thuận của nhân dân gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Ban Quản lý dự án kiến nghị thành phố có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, chỉ đạo sở quản lý chuyên ngành cho ý kiến hướng dẫn về vị trí các bãi đổ bùn thải trên địa bàn thành phố mà dự án có thể sử dụng.
Những năm qua sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét,... luôn được ví như những dòng sông "chết" bởi mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do việc xả trực tiếp các nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp ra sông. Nhiều người hy vọng dự án xử lý nước thải Yên Xá sẽ làm "hồi sinh" được những dòng sông này.
Hà Nam