Vì sao Ngân hàng ACB chưa thu hồi 400 tỷ gửi ở VNCB?
Số tiền 400 tỷ đồng được gửi tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB, nay là CB Bank) vào năm 2012, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thu hồi. ACB cũng đang phải xử lý các khoản nợ xấu liên quan tới nhóm công ty của Bầu Kiên để giảm thiệt hại cho ngân hàng.
Ngày 23/4, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã diễn ra với sự tham gia của 476 cổ đông, đại diện cho hơn 912 triệu cổ phần, tương ứng 73,13% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Những món nợ “oan gia”
Tại phiên thảo luận, các cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo ACB về tình hình xử lý thu hồi hàng loạt khoản nợ, tiền gửi có liên quan tới các vụ án sai phạm ngân hàng lớn xảy ra trong quá khứ.
Về khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại CBBank, Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, ngân hàng gửi số tiền này từ năm 2012, được đảm bảo bằng 3 tài sản của VNCB.
Theo đánh giá của ban điều hành ACB, hiện 3 tài sản có giá trị xấp xỉ 600 tỷ đồng. ACB đã trích lập dự phòng theo quy định nên không có rủi ro tài chính.
“Chúng tôi đã làm việc với VNCB và sắp tới nếu Chính phủ thông qua phương án tái cơ cấu VNCB thì khoản nợ đó có thể thu được và ACB sẽ hoàn nhập dự phòng rủi ro cho khoản thu đó”, lãnh đạo ACB cho biết. Dù vậy, ACB cũng chưa biết khi nào xử lý thu hồi được tiền gửi vì Đề án tái cơ cấu CBBank vẫn đang trong quá trình thực hiện do sai phạm nghiêm trọng của nhóm Phạm Công Danh.
Theo báo cáo tài chính, thời điểm năm 2017, khoản tiền gửi 400 tỷ đồng tại VNCB đã quá hạn lãi và được phân loại vào Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn. Theo phê duyệt từ NHNN, mỗi năm VNCB sẽ phải trả 1/5 khoản nợ cho ACB với mức lãi 2%/năm, dự kiến đến ngày 30/9/2020 mới trả hết. Tính đến hết ngày 31/12/2016, ACB đã tiến hành trích lập dự phòng 165,63 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ACB còn “mắc kẹt” 772 tỷ đồng tiền gửi tại “ngân hàng 0 đồng” GPBank. Ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng khoản tiền gửi này tại GPBank.
Từ ngày 12/9/2016 đến ngày 4/11/2016, ACB và một công ty con của ACB đã nhận chuyển nhượng 2 bất động sản với giá trị lần lượt là 68,897 tỷ đồng và 62 tỷ đồng do GPBank nắm giữ để cấn trừ 65 tỷ đồng và 62 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank. Còn lại 125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank, GPbank cũng phải bán bất động sản cho ACB để cấn trừ nợ.
Ngoài 2 khoản tiền gửi lớn, ACB nhiều năm qua vẫn loay hoay xử lý thu hồi các khoản cho vay đối với nhóm 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch ngân hàng ACB. Hồi năm 2012, ông Kiên cùng nhiều lãnh đạo ACB đã bị khởi tố, bắt giam và sau đó bị kết án tù nhiều năm. Từ đó đến nay, ACB phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, tìm cách xử lý thu hồi nợ xấu.
Đến kỳ đại hội này, lãnh đạo ACB tiếp tục bị cổ đông chất vấn về khoản nợ khó đòi của nhóm công ty liên quan Bầu Kiên. Ông Đỗ Minh Toàn cho biết, trong 6.388 tỷ đồng lợi nhuận đạt được của năm 2018, có khoảng 600 tỷ đồng là thu nhập bất thường từ việc xử lý các tài sản thế chấp nợ xấu liên quan đến bầu Kiên trước đó.
Chia cổ tức 30%, tăng vốn 3.741 tỷ đồng
Về kế hoạch tăng vốn, năm nay ACB sẽ phát hành tăng vốn thêm hơn 3.741 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, tương ứng 374 triệu cổ phiếu. Tổng vốn điều lệ dự kiến tăng từ gần 12.886 tỷ đồng lên tối đa 16.627 tỷ đồng.
Ngân hàng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản tăng 15% lên 378.733 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Dư nợ tín dụng tăng 13% lên 265.106 tỷ đồng và nợ xấu dưới 2%. Tiền gửi khách hàng tăng 15% lên 310.498 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến là 7.279 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.823 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến của năm 2019 sẽ là 30%, bao gồm 10% trả bằng tiền mặt.
Năm 2019, ACB tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo từng tháng, dự kiến trong chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 7.279 tỷ đồng của năm này cũng có khoảng 600 tỷ đồng thu nhập bất thường từ việc xử lý nợ xấu.
Tại đại hội, Chủ tịch Trần Hùng Huy tiết lộ ACB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho áp dụng chuẩn Basel II ngày 22/4 vừa qua. Việc áp dụng chuẩn Basel II không ảnh hưởng gì đến tình hình hoạt động của ngân hàng, bởi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ACB là 9%, cao hơn yêu cầu là 8%.
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy cũng nhấn mạnh ACB sẽ cần nâng vốn điều lệ đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và một trong những phương án thực hiện thời gian qua là chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, ACB dự kiến sẽ mua 6,22 triệu cổ phiếu quỹ với giá 16.207 đồng/CP, sau đó sẽ dùng số cổ phiếu quỹ này để phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên.
Đức Quân