Thứ năm, 28/03/2024 17:50 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 06:27 (GMT+7)

Vì sao cúng ông Công ông Táo lại thả cá chép?

Theo dõi KTMT trên

Cúng tiễn ông Táo về trời từ lâu đã trở thành thói quen của các gia đình Việt vào dịp tết. Với hi vọng đem lại thành công, thịnh vượng cho gia chủ, cá chép là loài vật không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo.

Cúng tiễn ông Táo về trời từ lâu đã trở thành thói quen không thể thiếu của các gia đình Việt vào dịp tết. Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm, mọi gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo.

Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo lên Ngọc Hoàng những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết nguồn gốc việc cúng cá chép trong ngày này là vì cá chép là một trong 3 thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý. Đồng thời, quan niệm dân gian cho rằng cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Rồng có khả năng gọi mưa, rất cần cho cư dân nông nghiệp lúa nước.

Ngoài ra, cá chép còn đại diện cho sự phát triển và khả năng sinh sôi rất lớn. Điều này tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa.

Vì sao cúng ông Công ông Táo lại thả cá chép? - Ảnh 1
Cúng tiễn ông Táo về trời từ lâu đã trở thành thói quen không thể thiếu của các gia đình Việt vào dịp tết. (Ảnh minh họa)

Cũng chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cho biết, đây là thói quen được duy trì từ lâu. Bởi trong tâm thức dân gian, cá chép sẽ hóa thành rồng, sau đó rồng sẽ bay được lên trời. Vì thế, cá chép là “phương tiện” duy nhất giúp Táo quân lên trời.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian của Phương Đông, “cá chép vượt vũ môn” tượng trưng cho sự đoàn kết, sức mạnh, ý chí nỗ lực, kiên cường vượt khó, vươn tới thành công, thịnh vượng.

Theo GS Nguyễn Chí Bền, trước đây và cả bây giờ, ở các vùng quê, người dân vẫn dùng cá chép giấy, tức là đồ mã. Sau một tuần hương, người dân sẽ đem cá chép giấy và mũ áo đi hóa.

Bên cạnh đó, theo quan niệm Phật giáo, vào ngày lễ ông Công ông Táo, người dân sẽ phóng sinh 3 con cá chép thật ra ao, hồ để tiễn Táo quân chầu trời và cầu may mắn. Tập tục này thể hiện sự nhân văn, đề cao sự thiện lương của con người. Việc dùng cá chép thật tiễn Táo quân lên trời cũng mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Vậy tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép? 

Lý giải điều này, theo Tiến sĩ văn hóa Trần Long, Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), việc ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời có liên quan đến truyền thuyết cá chép hóa rồng.

Tương truyền rằng, cá chép khi muốn trở thành con rồng phải qua 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi như vậy là lên gần trời hơn một chút, phải qua những ghềnh thác cao. Bài thứ nhất là phải búng đuôi qua một cái thác cao, hiểm trở. Khi cá chép búng qua được thì đuôi thay đổi, có sức mạnh hơn. Qua bài thứ 2, sóng gió mưa vần vũ dữ dội hơn nhưng cá chép vẫn vượt qua. Lúc này, một nửa mình cá chép đã hóa rồng. Sau khi búng qua được bài thi thứ 3 thì toàn thân cá chép hóa thành rồng.

“Hiện nay ở Khu du lịch Suối Tiên, ngoài bức tường đi vào sẽ thấy một bầy cá chép rồi lên từng bậc chuyển dần dần thành rồng. Đó là ví dụ tiêu biểu nhất cho câu chuyện cá chép hóa rồng”, TS Long cho hay.

Cách chọn cá chép cúng ông Công ông Táo ít ai biết

Lễ vật cúng ông Công ông Táo thường được các gia đình chuẩn bị rất chu toàn, từ đồ hương hoa, vàng mã, hoa tươi, mâm cơm mặn đủ món đến một thứ không thể thiếu được là ba chú cá chép đỏ để ông Công ông Táo cưỡi về trời.

Cá chép để cúng, dâng lên Táo Quân không nhất thiết phải là những con cá to, để chật bàn thờ, cá quẫy mạnh có thể gây ảnh hưởng không tốt trong lễ cúng.  Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng đó là nên chọn cá vừa nhỏ, khỏe mạnh, bơi nhanh, không trầy xước, mất vảy.

Sau khi mua cá về nhà nên thả vào một bát nước sạch, nước ngập lưng cá, thả thêm 1 cọng rêu nhỏ vào bát nếu mua cá trước thời gian cúng lâu. Tránh nước có nồng độ thuốc tẩy cao làm cá yếu.

Khi cúng đặt cá chép cạnh mâm cỗ cúng. Sau khi cúng xong, mang cá thả hồ hoặc sông. Nên thả cá chép trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) để ông Táo kịp về chầu trời.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cúng ông Công ông Táo lại thả cá chép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cùng VPBank khám phá lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France
Từ ngày 5 đến 7/4/2024, lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất. Lễ hội với quy mô tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, nhằm quảng bá ẩm thực Pháp và Thế vận hội Mùa hè Paris 2024.
Thị trường bất động sản Phú Quốc đón sóng đầu tư mới
Trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, Phú Quốc sẽ không đơn thuần là một “điểm đến” du lịch, nghỉ dưỡng mà còn là một nơi đáng sống và làm việc. Thị trường bất động sản Phú Quốc đang bước đầu chuyển mình nhằm đón sóng đầu tư mới.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.