Thứ hai, 25/11/2024 20:08 (GMT+7)
Thứ ba, 22/02/2022 16:00 (GMT+7)

Vì sao Bộ Công Thương muốn bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng trong khi xăng dầu đang tăng mạnh?

Theo dõi KTMT trên

Theo đại diện Bộ Công Thương, việc bán ra hơn 100 triệu lít xăng RON92 sẽ không có nhiều tác động với thị trường trong bối cảnh hiện nay do RON92 là loại xăng không được dùng nhiều.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về Quyết định phê duyệt kế hoạch bán đấu giá xăng Ron 92 dự trữ quốc gia.

Theo văn bản của Bộ Công Thương, số xăng RON92 dự kiến đưa ra đấu giá là lô hàng Dự trữ quốc gia bao gồm 101.976.121 lít xăng Ron 92 (xăng dùng để pha chế xăng E5Ron92) ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản tính theo số liệu thời điểm ngày 31/12/ 2021.

Số xăng này hiện được bảo quản ở 12 điểm kho dự trữ quốc gia tại 3 đơn vị: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty dầu Việt Nam - CTCP, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp. Số lượng xăng Ron 92 xuất bán thực tế sẽ được Bộ Công Thương công bố trước thời điểm tổ chức bán đấu giá.

Vì sao Bộ Công Thương muốn bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng trong khi xăng dầu đang tăng mạnh? - Ảnh 1

Dự kiến, giá khởi điểm bán đấu giá được quy định cho 1 lít xăng RON92 (ở nhiệt độ thực tế tại kho bảo quản xăng dầu) được Bộ Công Thương đưa ra là 14.058 đồng/lít. Các chi phí liên quan đến việc bơm rót lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí xuất hàng, chi phí vận chuyển và các khoản thuế, phí phải nộp nhà nước theo quy định (thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng...) do bên mua hàng chi trả.

Theo Bộ Công Thương, mức giá khởi điểm tạm tính để xác định tiền đặt trước căn cứ theo Quyết định số 1641/QĐ-BCT ngày 27/8/2021 của Bộ Tài chính về việc giá bán tối thiểu xăng RON 92 Dự trữ quốc gia là hơn 1.400 tỷ đồng.

Giá khởi điểm bán đấu giá chính thức sẽ do Bộ Công Thương quy định nhưng không thấp hơn giá khởi điểm tạm tính và được thông báo tới các tổ chức có đủ điều kiện và khả năng tài chính tham gia đấu giá trước khi tổ chức bán đấu giá.

Hiện nay, giá xăng E5 RON 92 được bán với mức giá là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít. Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít), và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp mức "đỉnh" được lập vào tháng 7/2014 khoảng 110 đồng/lít.

Giá dầu dầu hoả là 19.500 đồng/lít, dầu diesel là 20.800 đồng/lít, dầu madut là 17.930 đồng/kg.

Các tổ chức tham gia đấu giá đủ điều kiện tại vòng sơ tuyển sẽ nộp tiền đặt trước theo mức tương đương 10% tổng giá trị tài sản.

Tiền đặt trước tham gia đấu giá gửi vào tài khoản thanh toán riêng cho hoạt động đấu giá xăng Ron 92 dự trữ quốc gia đã nêu của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (trong trường hợp lựa chọn được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp) hoặc tài khoản của Bộ Công Thương (trong trường hợp không lựa chọn được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp).

Trường hợp khoản tiền đặt trước được gửi vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng có phát sinh tiền lãi, thì khoản tiền lãi sẽ do các bên thỏa thuận để chuyển thành tiền đặt cọc để thực hiện hợp đồng mua hàng dự trữ quốc gia hoặc trả lại cho người tham gia đấu giá không trúng đấu giá.

Văn bản của Bộ Công Thương nêu rõ, tổ chức đăng ký đấu giá được rút lại tiền đặt trước trong thời hạn trước 1 ngày kể từ ngày diễn ra phiên đấu giá. Quá thời hạn trên, mọi trường hợp rút lại sẽ không được giải quyết.

Thời hạn tổ chức cuộc bán đấu giá là từ tháng 1 đến tháng 2/2022. Thời hạn thanh toán trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng mua bán xăng Ron 92 dự trữ quốc gia được ký kết. Phương thức thanh toán bằng chuyển khoản vào tài khoản của Quỹ Dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước quản lý, quy định cụ thể nêu trong hợp đồng mua bán và quy chế đấu giá.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công thương cho rằng, việc bán ra hơn 100 triệu lít xăng RON92 sẽ không có nhiều tác động với thị trường trong bối cảnh hiện nay do RON92 không phải là mặt hàng phổ biến nữa, hiện đã sử dụng xăng E5RON92. Trong khi đó theo quy định về dự trữ, sau một thời gian thực hiện dự trữ phải đảo hàng.

Vị này cũng cho hay, số lượng xăng được đấu giá chỉ có hơn 100 triệu lít, theo nhu cầu thị trường hiện nay thì cũng chỉ đáp ứng nhu cầu được khoảng 1 tuần, nên "không thấm vào đâu". Trong khi đó, sản phẩm dự trữ quốc gia có số lượng thấp, được sử dụng theo cơ chế của Luật dự trữ, trong trường hợp thiên tai, bão lũ, đột biến về giá cả thì sử dụng trên cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền.

"Dự trữ quốc gia và dự trữ của doanh nghiệp hiện nay đang được cộng dồn lại để đảm bảo an ninh năng lượng nói chung. Nguồn này được bán ra cũng không có liên quan nhiều đến cung cầu thị trường, vì số lượng không ăn thua" - đại diện Bộ Công thương nói và cho biết sau khi nguồn này được bán xong sẽ đảo nguồn, nhập hàng mới về và thực hiện theo quy định.

Việc sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia trong trường hợp cần thiết để bình ổn thị trường cũng được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhắc đến tại cuộc họp với các đầu mối và các địa phương về bình ổn thị trường mới đây khi nhiều nơi thiếu xăng dầu cục bộ.

Cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc giá xăng dầu tăng mạnh đã gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất nói riêng.

“Giá xăng dầu tăng cao quá sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2022, sẽ có tăng nhưng tốc độ tăng không quá cao như năm 2021 nên chúng ta cũng không nên quá lo ngại về sự tăng giá xăng dầu tới tăng trưởng, hồi phục kinh tế,” chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giải pháp trong ngắn hạn chúng ta phải thực thi nghiêm chỉnh việc điều chỉnh giá xăng dầu cho chuẩn xác với xăng dầu thế giới.

“Phải đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước. Hiện, lượng xăng dầu trong nước đã chủ động được trên 70%, nhập khẩu 28-30%. Nguồn cung không thiếu nhưng qua đợt điều hành xăng dầu vừa qua đã cho thấy Bộ Công Thương thiếu linh hoạt, chủ động. Về lâu dài, phải hình thành một kho dữ liệu về xăng dầu và kho dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo được nguồn dự trữ trong khoảng một thời gian dài nhất định. Chuyển đổi thị trường xăng dầu minh bạch, đảm bảo bình ổn, đảm bảo an ninh năng lượng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ Công Thương muốn bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng trong khi xăng dầu đang tăng mạnh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới