Thứ bảy, 20/04/2024 10:02 (GMT+7)
Thứ ba, 31/12/2019 15:05 (GMT+7)

Vi phạm nồng độ cồn, phạt tới 40 triệu đồng, tước bằng lái hai năm

Theo dõi KTMT trên

Ngày 30/12, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.

Vi phạm nồng độ cồn, phạt tới 40 triệu đồng, tước bằng lái hai năm - Ảnh 1

Nghị định gồm 5 chương và 86 Điều, tăng 4 Điều so Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, với một số điểm mới theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, Nghị định này đã sửa đổi một số nội dung phù hợp quy định của Luật Đường sắt năm 2017, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, các văn bản (mới) hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Trong đó, bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ.

Theo đó, điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; những hành vi liên quan nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT (như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc,…).

Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô-tô từ 30 đến 40 triệu đồng, tước bằng lái từ 22 đến 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô-tô, từ 6 đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ, từ 400 đến 600 nghìn đồng.

Nghị định cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (tại khoản 8 Điều 80 Nghị định).

Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.

Đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (tại khoản 11 Điều 80 Nghị định).

Theo Tổng cục ĐBVN, Nghị định cũng bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, cơ quan kiểm định thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn hiệu lực là 15 ngày (khoản 12 Điều 80 Nghị định).

Bổ sung quy định cụ thể về việc không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, bao gồm cả trường hợp giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng nhưng chưa hết thời hạn áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng (tại khoản 5 Điều 81 Nghị định).

Bạn đang đọc bài viết Vi phạm nồng độ cồn, phạt tới 40 triệu đồng, tước bằng lái hai năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới