Thứ hai, 06/05/2024 14:51 (GMT+7)
Thứ hai, 25/09/2023 15:41 (GMT+7)

Vì một tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ đã gửi đến thế giới một thông điệp quan trọng về củng cố lòng tin, tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia trên thế giới để cùng nhau ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu.

Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ), người có bề dày kinh nghiệm hoạt động ngoại giao đa phương tại LHQ và nhiều tổ chức quốc tế khác đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ về chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Liên Hợp Quốc cũng như đánh giá về bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78. 

Việt Nam tự tin, trách nhiệm, chủ động tham gia các vấn đề quốc tế, toàn cầu

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có những hoạt động ý nghĩa tại Liên Hợp Quốc đánh dấu 46 năm Việt Nam gia nhập diễn đàn đa phương này, xin ông cho biết những nỗ lực nổi bật của Việt Nam trong việc tham gia chia sẻ, góp sức vào thực hiện những mục tiêu chung của LHQ? 

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Thủ tướng Chính phủ đã có khoảng thời gian bận rộn và đầy ý nghĩa tại LHQ. Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để khẳng định vai trò và vị thế của mình trên trường quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với những thách thức an ninh chung. 

Vì một tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu - Ảnh 1
Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tại lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 và 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc: Hành trình gần 8 thập kỷ lập quốc và gần 40 năm Đổi mới đã chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam. Từ một nước tiếp nhận viện trợ, ngày hôm nay, Việt Nam có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Từ một quốc gia bị tàn phá bởi hàng thập kỷ chiến tranh, ngày nay, Việt Nam đã có bước tiến dài trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đã thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ và đang tích cực cùng các quốc gia thành viên LHQ triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ. Cộng đồng thế giới đang chứng kiến một Việt Nam đổi thay, phát triển phi thường, từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình và năng động với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. 

 Có thể nói, chúng ta tham gia tất cả các vấn đề mà Đại hội đồng LHQ và các tổ chức quốc tế nêu ra tại diễn đàn lớn nhất thế giới này giúp bạn bè quốc tế thấy được Việt Nam có sự tự chủ, độc lập, năng động và sáng tạo trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của mình. Cộng đồng thế giới thấy sự tự tin, trách nhiệm, chủ động của Việt Nam tham gia các vấn đề quốc tế, vấn đề toàn cầu. Từ đó mà hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao. 

Tham gia LHQ – diễn đàn đa phương lớn nhất toàn cầu này, chúng ta có cơ hội học tâp, tham khảo những thành công của bạn bè thế giới và Việt Nam cũng luôn sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện, những bài học kinh nghiệm của mình để có đóng góp quan trọng, thiết thực hơn vào công việc chung của LHQ. 

Bài phát biểu truyền cảm hứng 

Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng. Ý kiến của ông về bài phát biểu này như thế nào, thưa ông?

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Bài phát biểu của Thủ tướng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Bài phát biểu đã truyền cảm hứng tới lãnh đạo các nước khi chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, đó là Việt Nam đã trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh; sự chia cắt, bao vây, cấm vận của thế kỷ trước, chính vì vậy Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hoà bình, hợp tác và phát triển.

Tôi đặc biệt ấn tượng khi trước hàng trăm nguyên thủ quốc gia tham dự Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với vai trò của LHQ và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, mới giúp cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới, mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân.

Thủ tướng cũng đã gửi đến thế giới một thông điệp quan trọng, đó là, với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", bằng sự kiên trì, cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đưa đối thủ thành đối tác, và được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hoà giải sau chiến tranh vì sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên. Điều này đã được minh chứng rất cụ thể trong chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam vừa qua và nâng quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Và Tổng thống Biden trong bài phát biểu của mình tại Khóa họp 78 Đại hội đồng LHQ đã nhắc đến Việt Nam và quan hệ hai nước ngay trong phần mở đầu bài phát biểu của ông. Khi cả Việt Nam và Mỹ đã nỗ lực giải quyết những hậu quả đau thương của chiến tranh, lựa chọn con đường cùng nhau hướng tới hòa bình và tương lai tốt đẹp. Với sự nỗ lực, đối thủ có thể trở thành đối tác, những thách thức to lớn có thể được giải quyết, và những vết thương sâu sắc có thể được chữa lành.

Đó thực sự là khoảnh khắc vô cùng đặc biệt và đáng ghi nhớ! 

Đúng là khi thế giới đang ẩn chứa những yếu tố khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc và về nguồn lực thì chủ đề chính của bài phát biểu của Thủ tướng đã nhấn mạnh nội dung: "Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển". Đây là điều hết sức quan trọng bởi trong đường lối đối ngoại của mình, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đưa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào chiến lược phát triển của mình, kết hợp chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội. Việt Nam đặc biệt quan tâm đầu tư về y tế, giáo dục… đến cho mọi người dân, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới. 

Trong quá trình giải quyết những nhiệm vụ mà LHQ đặt ra đồng thời cũng là yêu cầu bức thiết của đất nước, thực tế thành công của Việt Nam với những kết quả nổi bật được thế giới công nhận cho thấy điều quan trọng là hội tụ hài hòa ba yếu tố: Trong nước - khu vực - toàn cầu. Trong đó, đầu tiên là phải đảm bảo duy trì ổn định chính trị, kinh tế - xã hội trong nước, phối hợp với duy trì hòa bình và hợp tác trong khu vực và thế giới, xây đắp củng cố thể chế toàn cầu làm nền tảng hỗ trợ tích cực. 

Vì một tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu - Ảnh 2
Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam thể hiện lập trường quan điểm rõ ràng ở nhiều vấn đề hệ trọng 

Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu. Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp Thủ tướng đưa ra thưa ông? 

Đại sứ Ngô Quang Xuân: Năm nhóm giải pháp: Vun đắp lòng tin, sự chân thành và tinh thần trách nhiệm; thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của LHQ; lấy người dân làm trung tâm; thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hoàn toàn phù hợp và sát với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay. 

Điều đó cũng thể hiện lập trường quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến thế giới, khu vực và Việt Nam như đã nêu ở trên, nhưng đều nhất quán về lập luận: Các quốc gia cần phải tăng cường xây dựng lòng tin đối với nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc ứng xử chung, cũng như tôn trọng các đặc thù văn hóa lịch sử và điều kiện phát triển của mỗi một quốc gia. Đây chính là những yếu tố căn bản, mẫu số chung bắt buộc của mọi nỗ lực hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và văn minh. 

Đồng thời cho thấy cho với niềm tin đó, các giải pháp cũng chỉ rõ, sẽ có thêm cơ sở để thành hiện thực nếu các quốc gia kết hợp hài hòa giữa lợi ích riêng-chung. Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn có ý nghĩa tích cực cho cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cũng là đóng góp vào nền hòa bình chung của nhân loại. 

Đặc biệt giải pháp lấy người dân làm trung tâm, điều này Việt Nam đã thực hiện trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập tự do cho đất nước và quá trình xây dựng phát triển đất nước đến ngày nay, luôn chủ trương đặt con người vào trung tâm mọi chiến lược phát triển, xem con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển. Đường lối nhân văn đó đã được ứng dụng để thực thi tốt nhiệm vụ thiên niên kỷ mà tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu đặt ra. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Vì một tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới