Ví điện tử, Google có ‘tiếp tay’ cho cờ bạc trực tuyến?
Người dùng thuê bao di động của nhà mạng, dịch vụ thanh toán của Google, hay ví điện tử… dễ dàng thanh toán trực tiếp cho các game bài, game lậu. Sau các đợt truy quét của cơ quan chức năng, đã phanh phui nhiều đường dây cờ bạc trực tuyến có doanh thu “khủng” nghìn tỉ đồng.
Đánh bạc nghìn tỷ, đổi tiền qua thẻ cào và Google Play
Hoạt động cờ bạc trực tuyến trên internet đã “bùng nổ” nhanh chóng với hàng loạt game bài, trò chơi có thưởng, thậm chí liên tục xuất hiện nhiều game lậu đến từ Trung Quốc có nội dung cờ bạc, thu hút rất đông người chơi.
Ở các game này, người chơi có thể thanh toán trực tiếp bằng tài khoản thuê bao di động khi mua các ứng dụng trên kho Google Play, thay vì hình thức thanh toán bằng thẻ cào điện thoại đã bị tạm dừng ở Việt Nam. Thông qua Google Play, người dùng mua các ứng dụng hay vật phẩm trong game, tiền sẽ được tính ngay vào tài khoản di động là số thuê bao đang sử dụng của cả 3 nhà mạng. Đây chính là kẽ hở để các chủ game bài, game lậu cho phép người dùng nạp tiền vào tài khoản dễ dàng, nhanh chóng.
Game Rikvip từng gây “bão” trong làng trò chơi cờ bạc trực tuyến với số thu 10.000 tỉ đồng |
Trên thực tế, vụ án “đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành hồi năm 2017 đã bị phanh phui đường dây cờ bạc trực tuyến có giao dịch nghìn tỉ do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu. VTC Online do Phan Sào Nam làm chủ tịch đã phát hành nhiều game mang tính chất đánh bạc online, lừa đảo người chơi, như: game Phát Lộc (địa chỉ phatloc.vtcgame.vn), game Rikvip và Tip.Club (được phát hành “chui”).
Đáng chú ý nhất là game Rikvip từng gây “bão” trong làng trò chơi cờ bạc trực tuyến với hàng chục triệu tài khoản tham gia, giao dịch lên tới chục nghìn tỉ đồng. Ra đời từ năm 2015, Rikvip đã có mặt trên hai kho ứng dụng Google Play và App Store, nên người dùng dễ dàng tạo tài khoản và nhận được 200.000 xu từ hệ thống như khoản vốn “khởi nghiệp”. Từ đây, Rikvip chấp nhận nạp tiền thật để đổi xu, mệnh giá thấp nhất là 10.000 đồng và cao nhất là 500.000 đồng. Với 10.000 đồng, người chơi nhận được 10.000 Rik, từ đó họ có thể đổi ra xu để chơi game.
Ở chiều ngược lại, người dùng đổi trực tiếp số tiền ảo thắng game ra thẻ cào điện thoại, hoặc đổi qua các “đại lý” trên khắp cả nước. Tỉ lệ đổi tiền là 80-82/100, tức cứ 100.000 Rik, người dùng sẽ nhận lại 80.000-82.000 đồng.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan công an Phú Thọ, tháng 9/2016, đoàn thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện cổng game Rikvip.com có yếu tố cờ bạc, bị lập biên bản và chuyển cơ quan Công an điều tra xử lý. Thế nhưng, sau đó game này vẫn ngang nhiên hoạt động dưới tên miền TIB.CLUB, 23ZDO.com, rikvip.vn… Thông qua hàng loạt công ty bình phong như Công ty VMG, CNC, Giải pháp Việt, Long Hải, Hải Khánh… các cổng trò chơi Rikvip, TIP.LUB đã sử dụng hạ tầng viễn thông (IP, dịch vụ nhắn tin) của 3 nhà mạng VNPT, Viettel, Mobifone để ngang nhiên hoạt động dịch vụ trò chơi có tính cờ bạc trực tuyến.
Mặc dù các mạng viễn thông sau đó đã bị yêu cầu ngừng cung cấp địa chỉ IP cho game này, nhưng TIP.CLUB vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí mở rộng quy mô, phạm vi, quảng cáo trên facebook, và bán thẻ nạp tiền cho TIP.CLUB qua trang v-card.vn.
Chỉ trong 28 tháng hoạt động, hệ thống các cổng game trong đường dây đánh bạc trực tuyến này đã thu hút gần 43 triệu tài khoản tham gia, thu về gần 10.000 tỉ đồng. Khi phá vụ án, cơ quan điều tra đã thu trên 1.000 tỉ đồng và có thể hàng triệu USD ngoại tệ đã được chuyển ra nước ngoài. Trong đó, hai đối tượng cầm đầu đường dây là Nguyễn Văn Dương thu lời bất chính hơn 1.655 tỉ đồng và Phan Sào Nam hưởng lợi hơn 1.400 tỉ đồng. Đối với Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên là lãnh đạo công an cũng bị khởi tố, xử lý do vi phạm buông lỏng quản lý và lợi dụng chức vụ để dung túng cho đường dây đánh bạc trực tuyến.
Game lậu thoả sức “tung hoành”
Các đợt thanh kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hàng chục game bài vi phạm pháp luật, nhưng sau đó những cổng trò chơi trực tuyến mới lại “mọc lên như nấm sau mưa” như thách thức cơ quan pháp luật.
Hiện, hàng loạt các game bài đổi thưởng từ các kho ứng dụng về trò chơi giải trí trực tuyến thu hút nhiều người chơi như Melyy8, nhatnhiba.com, Sun68, SVIP68, 52labai.com, Win123. Begone, danhbai.net, Melia88... Người dùng các game này chỉ cần tạo tài khoản và nạp tiền vào chơi thông qua nạp thẻ cào của các mạng viễn thông như Vinaphone, Viettel, Mobifone.
Việc thanh toán cho các game bài, game lậu rất dễ dàng qua Google Play bằng tài khoản di động |
Đơn cử, game đánh bài đổi thưởng Melyy8 hiện cho phép người dùng nạp tiền qua thẻ cào của nhà mạng và nạp qua Google. Theo đó, người dùng game này có thể nạp qua IAP bằng cách sử dụng số thuê bao di động để mua thêm xu, tiền sẽ bị trừ trực tiếp vào tài khoản…
Có thể thấy, các mạng viễn thông hiện được xem như cổng thanh toán trung gian cho các game bài, game lậu với giao dịch thanh toán không giới hạn về số lượng, giá trị và thời gian giao dịch. Bằng cách “lách” kẽ hở quản lý lỏng lẻo trong thanh toán của các mạng viễn thông, Google Play, các chủ game đã cho phép người chơi dễ dàng giao dịch chuyển tiền, rút tiền từ các trò chơi ảo, kiếm tiền thật, thậm chí tổ chức đánh bạc quy mô lớn như đường dây cờ bạc trực tuyến ở Phú Thọ.
Không chỉ game bài đổi thưởng ở trong nước, mà trên mạng đã xuất hiện rất nhiều game lậu phát hành không phép tại thị trường Việt Nam như Swords & Summoners, Blade of Kingdoms, Hoàng Thượng Cát Tường... Các game lậu này cũng lợi dụng việc Google cho phép thanh toán qua ứng dụng này để cho phép nạp tiền vào game. Chẳng hạn, người chơi game khi mua các vật phẩm trong game, như đồng Kim Nguyên Bảo (đơn vị tiền trong game) để trả tiền mua vật phẩm, Google sẽ hỗ trợ phương thức thanh toán qua thuê bao di động và tiền cũng sẽ trừ trực tiếp vào tài khoản di động.
Việc Google hỗ trợ thanh toán cho người chơi các game bài, game lậu nêu trên bằng hình thức thanh toán qua thuê bao di động thì Google đang vi phạm pháp luật Việt Nam vì đây là những hành vi bị cấm theo các quy định hiện hành.
Trong vụ án đường dây cờ bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ, Đoàn kiểm tra của Bộ Thông tin & Truyền thông đã xác minh, kiểm tra 14 game có yếu tố cờ bạc, như TIP.CLUB… đã được các doanh nghiệp là VNPT, Viettel, FPT cung cấp dịch vụ viễn thông, để tổ chức hoạt động trò chơi cờ bạc công khai, bành trướng trên internet. Riêng đối với Mobifone, cơ quan điều tra cũng đã chỉ rõ việc Mobifone xảy ra vi phạm cung cấp dịch vụ tin nhắn chăm sóc khách hàng cho game bài Rikvip/TIP.CLUB hoạt động đánh bạc trực tuyến là trách nhiệm của Ban tổng giám đốc Mobifone khi buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho tội phạm tổ chức game bài cờ bạc.
Từ thực tế các game bài, game lậu đang “lộng hành” trên mạng, có thể thấy các nhà mạng Việt Nam khác không thể chối bỏ trách nhiệm buông lỏng quản lý, thẩm tra, cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức hoạt động vi phạm pháp luật, tải game lậu trên kho Google Play.
Ví điện tử Momo trên Appstore đã được sử dụng để thanh toán cho game bài trực tuyến |
Một tình trạng đáng báo động nữa là, hiện có nhiều ví điện tử cũng như đơn vị thanh toán trong nước cũng đang tham gia thanh toán cho các game bài đổi thưởng, game lậu. Theo đó, cả Google Play và Apple Store đều cho phép người dùng tích hợp ví điện tử Momo để thanh toán, tạo cổng trung gian để cho người chơi giao dịch nạp/rút tiền nhanh chóng. Đơn cử, game bài King365 hay crasher.origin hiện có sẵn trên App Store hoặc game bài 52online trên Goolge Play, người chơi sử dụng ví Momo để nạp tiền vào game và ngược lại rút tiền dễ dàng qua các ứng dụng này.
Ngoài ra, người chơi game có thể sử dụng nhiều cổng thanh toán khác như Ngân lượng, thẻ Gate và Anpay… để nạp tiền vào rất nhiều game lậu, game bài khác hay thanh toán bằng thẻ tín dụng ngân hàng. Các cổng thanh toán này còn được sử dụng để giao dịch ở một số game bài lậu từ Trung Quốc.
Trong xu hướng ví điện tử phát triển “nở rộ” và trở thành cổng thanh toán tiện ích, các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của ví điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản giá trị rất lớn. Hay trường hợp một số công ty bắt tay hợp tác với ví điện tử được cấp phép để hoạt động “trá hình” thanh toán cho các game trực tuyến. Vậy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thanh tra, giám sát và xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động kinh doanh ví điện tử, cổng thanh toán như thế nào, rất cần được làm rõ?
Trung Hải