Thứ bảy, 23/11/2024 15:55 (GMT+7)
Thứ tư, 24/02/2021 17:28 (GMT+7)

Vì đâu diện tích rừng Tây Nguyên giảm sút?

Theo dõi KTMT trên

Trong 2 năm trở lại đây, Tây Nguyên có tốc độ suy giảm rừng khá nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng, với tổng diện tích rừng giảm 312.416 ha. Con số này đang phản ánh thực trạng đáng báo động.

Vì đâu diện tích rừng Tây Nguyên giảm sút? - Ảnh 1

Việc suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng của rừng ở Tây Nguyên đang tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu, gia tăng lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và nguy cơ sa mạc hóa trên địa bàn. Đáng chú ý có nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật với quy mô lớn.

Riêng tại tỉnh Ðắk Lắk, năm 2019 và quý I/2020, lực lượng chức năng phát hiện 1.359 vụ vi phạm, tịch thu gần 2.000 m3 gỗ, xử lý hình sự 23 vụ với 34 bị can; tại Gia Lai, năm 2019, phát hiện 476 vụ, hai tháng đầu năm 2020, phát hiện 61 vụ.

Tháng 3/2020, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện vụ khai thác lâm sản trái phép thuộc lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 805, thuộc địa bàn làng Bya, xã Sró, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai). Khám nghiệm hiện trường, các đơn vị chức năng xác định có 12 cây gỗ dổi bị chặt hạ (có 11 cây đã bị cắt khúc) với tổng khối lượng hơn 15 m3. Nghiêm trọng hơn đây là loại rừng phòng hộ đầu nguồn.

Và mới đây những ngày sau Tết Tân Sửu 2021, vụ chặt phá rừng tự nhiên ở huyện Ea H’ leo (tỉnh Đắk Lắk), Các điểm rừng bị tàn phá thuộc Tiểu khu 64 và 68, lâm phần do Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea Hleo quản lý. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện trên 270 cây rừng bị cưa hạ, tổng khối lượng gỗ hơn 20 m3. Dấu hiệu tại hiện trường cho thấy, rừng chỉ mới bị tàn phá trong vòng khoảng 2 tuần trở lại đây, hàng loạt cây gỗ có đường kính 80-100 cm bị hạ, nhiều cây gỗ lớn bị cưa ngang thân. Đáng chú ý, ngay tại khu rừng bị phá có biển cấm phá rừng được gắn lên cây, tuy nhiên ngay cả thân cây được đặt biển cảnh báo cũng bị cưa hạ.

Vì đâu diện tích rừng Tây Nguyên giảm sút? - Ảnh 2

Áp lực bảo vệ rừng

Theo ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với đặc thù địa lý của của khu vực Tây Nguyên, rừng tự nhiên trải rộng trên khắp các địa phương, địa hình có nhiều núi cao, hiểm trở, khó di chuyển. Đặc biệt, trong mùa mưa Tây Nguyên việc di chuyển tuần tra, truy quét tại các khu vực núi cao, rừng có nhiều gỗ quý gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây các đối tượng "lâm tặc" trở nên manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng quản lý bảo vệ rừng khi bị phát hiện và khống chế. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh). Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tương đối lớn , nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý.

Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật. Do đó, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên.

Cần những biện pháp mạnh hơn

Chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ có từ năm 2016. Tuy nhiên có một thực tế là, càng đóng, rừng lại càng mất. Ðây là một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo, thực hiện giám sát, xử lý các vụ phá rừng chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xảy ra mất rừng vẫn chưa được nghiêm túc; dẫn đến hệ lụy rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp liên ngành trong quản lý, bảo vệ rừng, cần vận hành bộ máy quản lý một cách thường xuyên, liên tục, giải quyết nghiêm minh, kịp thời các hành vi phạm tội hủy hoại rừng. Huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, đồng thời nâng cao vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ rừng. 

Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về vấn đề di dân tự do vào Tây Nguyên, giúp người dân hiểu rằng, Tây Nguyên không phải “miền đất hứa”, nhiều đồng bào di cư tự do vào đây nhưng cuộc sống hết sức khó khăn, thậm chí còn nghèo đói.

Đặc biệt, các vụ án xét xử về tội hủy hoại rừng nên được đưa ra xét xử lưu động 100% tại các khu vực có đông dân cư, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, để tuyên truyên pháp luật đến cho người dân thông qua việc xét xử, giúp họ có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, góp phần tích cực vào việc hạn chế hành vi phạm tội hủy hoại rừng.

Thực trạng của những vụ phá rừng trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua đang diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô, mức độ vi phạm, đồng thời cũng đang bộc lộ nhiều bất cập trong hệ thống tổ chức và trách nhiệm của những đơn vị được Nhà nước giao quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Nếu chính quyền, các cơ quan chức năng không có những biện pháp mạnh, những quyết sách mới về công tác quản lý, bảo vệ rừng thì nhiều nguy cơ diện tích rừng cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng đã, đang và sẽ còn bị thu hẹp.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Vì đâu diện tích rừng Tây Nguyên giảm sút?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới