Văn Minh Group đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất không qua đấu giá làm KDC
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Bất động sản Văn Minh Group dù mới thành lập nhưng liên tiếp xề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép đầu tư dự án trên địa bàn, trong đó doanh nghiệp này mới đề xuất được giao đất không qua đấu giá để làm KDC Trịnh Hoài Đức.
Làm trước, xin đầu tư dự án sau?
Ngày 17/3/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Phó Ngọc Hiệp ký văn bản giao Sở KH&ĐT chủ trì làm việc với các bên liên quan để đưa ra ý kiến về đề xuất giao đất làm dự án KDC Trịnh Hoài Đức (phường 11, TP. Đà Lạt) của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Bất động sản Văn Minh Group.
Trước đó, ngày 15/3/2023, Văn Minh Group có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất dự án đầu tư KDC Trịnh Hoài Đức. Theo thuyết trình, doanh nghiệp này muốn xây dựng dự án trên diện tích 11.571 m2 tại các thửa đất số 1218 và số 1238, tờ bản đồ số 9, phường 11, TP. Đà Lạt. Trong đó có 8.925 m2 là đất ở (chiếm 77,13%), phần còn lại là đất xây dựng công trình giao thông.
Văn Minh Group dự kiến chia diện tích đất ở ra thành 41 lô đất nền với diện tích từ 200 - 305 m2. Mật độ xây dựng của dự án chiếm tới 60%, mỗi lô được xây dựng 4 tầng cao, chiều cao tối đa 19 mét.
Văn Minh Group đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Được biết, khu đất rộng 11.571 m2 làm dự án vốn là của một số cá nhân có quyền sử dụng đất, góp lại với nhau theo hình thức góp vốn để làm dự án.
Điểm đáng lưu ý là trong văn bản đề xuất dự án đầu tư của Văn Minh Group thể hiện thông tin, tiến độ dự án đã được thực hiện từ quý 1/2021 (trước thời điểm có văn bản đề xuất đầu tư dự án hơn 2 năm.
Cụ thể, quý 1/2021 đến quý 2/2021 đăng ký kế hoạch sử dụng đất; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quy hoạch chi tiết; xin phép xây dựng công trình hạ tầng.
Từ quý 2/2021 đến quý 4/2021 thi công hoàn thành 100% công trình hạ tầng kỹ thuật (hiện công trình giao thông trong khu đất rộng 2.646 m2 đã xây dựng xong, bàn giao cho địa phương quản lý). Từ quý 2/2022 đến quý 4/2022 hoàn thiện công trình hạ tầng bàn giao cho địa phương.
Từ quý 1/2023 đến quý 2/2023 lập bản đồ ranh giới, ký hợp đồng hợp tác đầu tư chuyển dự án vào Công ty, lập dự án đầu tư, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đưa dự án đi vào hoạt động.
Theo quy định pháp luật hiện hành về quy trình thủ tục thực hiện lập dự án đầu tư KDC, KĐT thì gồm nhiều bước khác nhau theo trình tự nhất định.
Đầu tiên phải có đất phù hợp quy hoạch để có thể làm dự án KDC, KĐT. Sau khi có đất, nhà đầu tư phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch làm dự án. Tiếp đến là xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau đó là đến các bước xin giấy phép chấp nhận phương án đầu tư hạ tầng, quy hoạch chi tiết 1/500, giấy phép xây dựng, làm cơ sở hạ tầng, nghiệm thu hạ tầng,...
Tuy nhiên, theo văn bản đề xuất đầu tư dự án KDC Trịnh Hoài Đức mà Văn Minh Group gửi tới UBND tỉnh Lâm Đồng dường như đang có quy trình ngược lại theo các quy định của pháp luật. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn, Văn Minh Group đang hợp thức hóa đất cá nhân phân lô, bán nền thành dự án bất động sản?
Thời điểm quý 1/2021 khi mà khu đất này đăng ký kế hoạch sử dụng đất; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quy hoạch chi tiết; xin phép xây dựng công trình hạ tầng cũng là thời gian mà Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Bất động sản Văn Minh Group được thành lập (25/2/2021). Trụ sở Công ty tại số 45A Đinh Tiên Hoàng, phường 2, TP. Đà Lạt; người đại diện pháp luật là ông Văn Bạc Thanh (43 tuổi).
Sau khi thành lập, Văn Minh Group liên tiếp đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng được đầu tư xây dựng dự án bất động sản trên địa bàn. Theo giới thiệu của Văn Minh Group, sau hơn 2 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp này đã sở hữu cho mình nhiều hạng mục công trình lớn, nhỏ thuộc các phân khúc như nhà ở liền kề, biệt thự du lịch, khách sạn trung tâm.
Hồi đầu tháng 1/2023, Văn Minh Group cũng mới đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KDC Đống Đa với diện tích khoảng 2,68ha, trong đó đất xây dựng công trình là 17.634,7 m2; các hạng mục sân đường, giao thông là 8.510 m2; cây xanh 640 m2. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 357 tỉ đồng.
Liên quan đến dư luận đặt ra nghi vấn, Văn Minh Group đang hợp thức hóa đất cá nhân phân lô, bán nền thành dự án bất động sản tại KDC Trịnh Hoài Đức, chiều ngày 18/3/2023, trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Văn Bạc Thanh - Giám đốc Văn Minh Group cho biết: "Hồi trước là tư nhân làm, giờ theo nghị định mới nên giờ chuyển thành công ty".
Đất cá nhân phân lô, bán nền gây ra nhiều hệ lụy
Hiện tượng cá nhân hiến đất làm đường nhưng thực chất là nhân phân lô, bán nền như dự án bất động sản là chủ đề nóng trong việc sử dụng tài nguyên đất đai của nước tai trong suốt nhiều năm qua. Ở các tỉnh như Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai... tình trạng này nở rộ khiến cho công tác quản lý, sử dụng hiểu quả tài nguyên đất đai đặt ra nhiều câu hỏi lớn.
Nói về hiện tượng đất cá nhân phân lô, bán nền như dự án bất động sản, luật sư Mai Thảo - Phó Giám đốc Công ty TAT Law Firm cho rằng việc hiến đất để hình thành giao thông tạo điều kiện tách thửa đất là một trong những nhu cầu chính đáng và hợp pháp của các cá nhân, hộ dân trong quá trình sử dụng đất. Tuy nhiên, lợi dụng quy định này của pháp luật mà một số các cá nhân, doanh nghiệp đã thu gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn, sau đó dùng danh nghĩa cá nhân làm đường trong các thửa đất nông nghiệp, lắp điện, nước để hình thành nhiều dự án với hàng trăm lô đất.
Bước cuối cùng là xin chuyển đổi sang đất ở để hợp pháp việc mua bán. Theo quy định pháp luật thì để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở thì cần thiết phải căn cứ vào quy hoạch gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch liên quan đến xây dựng và khu dân cư.
"Nhưng hầu hết các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất có dấu hiệu “trá hình phân lô bán nền” thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại chỉ dựa vào quy hoạch sử dụng đất mà không xem xét các đồ án quy hoạch khác, các loại quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Điều này khiến cho tình trạng phân lô tách thửa đất ở diễn ra tràn lan và phổ biến đến như vậy", luật sư Mai Thảo phân tích.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, các dự án trước khi thực hiện phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để cơ quan chuyên môn phê duyệt, nếu không có ĐTM thì các dự án không thể triển khai. Đây là quy định bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, có nhiều cá nhân, đơn vị đã tìm cách để không phải làm ĐTM như dạng đất cá nhân "đội lốt" dự án phân lô, bán nền. PGS.TS Nguyễn Xuân Bình, Viện Môi trường và Phát triển bền vững nhận xét: "Khu đất được xây dựng, phát triển với quy mô như dự án nhưng không có ĐTM thì không thể xác định được sau này đi vào hoạt động sẽ tác động như thế nào tới môi trường xung quanh. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh và chính trong khu đất đó".
Lâm Đồng yêu cầu ra soát khu dân cư, phân lô bán nền không đúng quy định
Ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 922/UBND-XD về việc thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, biệt thự nghỉ dưỡng, phân lô, bán nền trên địa bàn toàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng kiểm tra việc đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm về quy hoạch, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó là vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là các dự án khu dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng, dự án phân lô bán nền.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về pháp luật đầu tư; rà soát các dự án nhà ở, bất động sản, đánh giá nguyên nhân, đề xuất cụ thể các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để xem xét thu hồi theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc chủ động thực hiện công tác quản lý nhà nước tại các địa phương; thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm thực hiện kiểm tra, quản lý xây dựng theo Giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng; kịp thời phát hiện và xử lý ngay hành vi vi phạm về đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng cái các dự án theo quy định.
Đông Anh