Vai trò của báo chí khi chuyển đổi số là chiến lược phát triển quốc gia
Khi chuyển đổi số là chiến lược phát triển quốc gia, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng - đủ - kịp thời về chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số là chiến lược phát triển quốc gia
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp để thay đổi cách thức vận hành và mô hình kinh doanh. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu là thay đổi mô hình doanh nghiệp từ dạng truyền thống sang dạng công nghệ số nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo và quy trình thực hiện của một doanh nghiệp.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu của chương trình Chuyển đổi số quốc gia là mục tiêu kép, vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để cạnh tranh trên toàn cầu. Không những thế, Chính phủ còn đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Đặc biệt, năm 2020 được Chính phủ xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số ở Việt nam. Năm 2021 được coi là năm tổng diễn tập chuyển đổi số, từ năm 2022 trở đi là giai đoạn thúc đẩy chuyển đổi số ở tất cả mọi ngành, mọi cấp trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/10 hàng năm được coi là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Ngày chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hàng năm (10/10) nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Xác định chuyển đổi số không chỉ là xu thế, thời cơ mà còn là chiến lược phát triển quốc gia, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã nỗ lực triển khai, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo ra đột phá trong chuyển đổi số trên địa bàn.
Theo Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo đà bứt phá phát triển kinh tế và xã hội dựa trên những thành tựu đã đạt được trong năm 2023 về chuyển đổi số. Theo thống kê, năm 2023 được xác định là năm của dữ liệu số khi đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, muốn thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả cần phải có chiến lược bài bản, có trọng tâm bởi chuyển đổi số vừa là xu thế vừa là phong trào của thời đại. Không chỉ là chiến lược phát triển quốc gia một cách toàn diện, chuyển đổi số còn là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội.
Hơn nữa, chuyển đổi số đối với người dân và các doanh nghiệp có giá trị vô cùng to lớn khi mang lại nhiều lợi ích như dịch vụ trực tuyến thực hiện nhanh, thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và an ninh thông tin được đảm bảo. Đối với cơ quan nhà nước và Chính phủ, chuyển đổi số giúp tiết kiệm tài nguyên, tạo ra sự minh bạch, khách quan trong mọi hoạt động.
Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, Ủy ban phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất.
Với mục tiêu “chuyển đổi số là chiến lược phát triển quốc gia” toàn diện, chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Thủ tướng đưa ra yêu cầu các bộ, ban, ngành phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Vai trò của báo chí trong chuyển đổi số
Khi chuyển đổi số là chiến lược phát triển quốc gia, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng với sứ mệnh là cơ quan tuyên truyền, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội đúng đắn, đầy đủ, kịp thời và chính xác về chính sách, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, báo chí có vai trò dẫn dắt, tạo niềm tin cho xã hội để tạo đà thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Hiểu được điều đó, các cơ quan báo chí phải là ngành đi đầu trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số của quốc gia để hình thành các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn, đồng thời làm tốt sứ mệnh tuyên truyền đường lối của Đảng, sự đổi mới của đất nước.
Thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, có 120/127 báo đã thực hiện loại hình báo điện tử, 149/673 tạp chí đã thực hiện loại hình điện tử.
Trong bối cảnh internet bùng nổ như hiện nay, xu hướng truyền thông đa phương tiện ngày càng phổ biến, có tác động tới hệ thống báo chí Việt Nam, chuyển đổi số là xu thế tất yếu đối với mọi lĩnh vực, không riêng gì ngành báo chí. Do đó, để để báo chí thực hiện công cuộc chuyển đối số đáp ứng được mục đích và yêu cầu, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu chung của chiến lược là báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.
Đặc biệt, chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí…
Ngoài ra, trong chiến lược “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” còn đề ra 6 nhiệm vụ của báo chí tạo nền móng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, gồm: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Như vậy, có thể thấy báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia bởi cơ quan báo chí không chỉ là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mà báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số phải là “bộ lọc” thông tin, giải đáp hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát triển theo hướng hiện đại.
Minh Phương