Thứ ba, 16/04/2024 12:10 (GMT+7)
Thứ hai, 08/02/2021 10:14 (GMT+7)

Ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi KTMT trên

Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất có thể xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ ngày 9-15/2, trùng với dịp Tết Nguyên đán, có thể dẫn đến thiếu nước ngọt.

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự báo năm 2021, biến đổi khí hậu tiếp tục gây nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm, trong đó các hình thái thiên tai gây nhiều thiệt hại nhất là: Bão tố, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ, mưa đá, sạt lở đất, lũ quét…

Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất có thể xảy ra ở khu vực ĐBSCL từ ngày 9-15/2, trùng với dịp Tết Nguyên đán, có thể dẫn đến thiếu nước ngọt.

Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện dòng chảy thượng nguồn về ĐBSCL suy giảm, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng trong tháng 2/2021.

Ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1
Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất có thể xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Internet)

Mực nước các sông ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận có thể thấp hơn cùng kỳ năm trước 20-50%. Nguy cơ thiếu nước và hạn hán có khả năng xảy ra ở các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên từ tháng 3 đến tháng 4, sau đó lan ra các tỉnh miền Trung khác.

Ủy ban Sông Mekong quốc tế cũng cho biết tổng lượng dòng chảy trong tháng 2 từ thượng nguồn sông Mekong ở Campuchia đến vùng đồng bằng sẽ ít hơn từ 5-15% lượng trung bình và từ tháng 3 đến tháng 5, dòng chảy sẽ đạt lượng trung bình.

Mực nước sông Cửu Long mùa khô năm nay sẽ biến đổi theo triều và cao hơn trung bình từ 0,1-0,3 m. Đối với sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn được dự báo trong tháng 3 và tháng 4, sau đó sẽ giảm dần. Phạm vi xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75 km.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc theo thông báo ở giai đoạn từ 5- 24/1/2021 xuống còn khoảng 1000 m3/s và hiện vẫn xả thấp được xem là kịch bản đã được lường trước. Ảnh hưởng của việc giảm xả từ thủy điện Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối tháng 1 và tháng 2.

Thời kì ảnh hưởng lớn nhất đúng vào những ngày Tết Nguyên đán, từ 8 - 16/2/2021, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long từ 48 – 70 km, từ 75 – 90 km trên sông Vàm Cỏ và từ 50 – 55 km trên sông Cái Lớn.

Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Tây: ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 80 - 90 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 30 - 40 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 50 - 60 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 21 - 31 km.

Sông Vàm Cỏ Đông: ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 75 - 80 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 30 - 35 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 10 - 15 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 17-22 km.

Tại vùng các cửa sông Cửu Long, trên sông Cửa Tiểu, Đại: ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 55 - 60 km, cao hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 7 - 10 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 31 - 56 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 20 - 25 km.

Trên sông Hàm Luông: ranh mặn 4g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 70 - 73 km, so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 ở mức tương đương, thấp hơn so với năm 2020 từ 3 - 5 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 34 - 37 km.

Trên sông Cổ Chiên: ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 62 - 65 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 0 - 3 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 6 - 8 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 24 - 27 km.

Trên sông Hậu: ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 58 - 60 km, so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 ở mức tương đương, thấp hơn so với năm 2020 từ 2 - 4 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 20 - 22 km.

Vùng ven biển Tây (sông Cái Lớn): ranh mặn 4 g/l có phạm vi ảnh hưởng từ 47 - 50 km, thấp hơn so với chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất năm 2016 từ 12 - 15 km, thấp hơn so với năm 2020 từ 17 - 20 km, so với cùng kỳ trung bình nhiều năm cao hơn từ 6 - 9 km.

Dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020 - 2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng.

Ngay từ bây giờ, các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn như: vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.

Xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long bắt đầu vào giữa tháng 12/2020, cao nhất xuất hiện vào đầu tháng 1/2021 (trên sông Cổ Chiên), đầu tháng 2/2021 (trên sông Hậu, rơi vào những ngày Tết Tân Sửu) và đầu tháng 3/2021 (trên sông Tiền), kéo dài đến tận tháng 5/2021.

Theo dự báo, diện tích tự nhiên nhiễm mặn hơn 67.000 ha, diện tích cây trồng bị hạn, thiếu nước gần 95.000 ha. Bên cạnh đó có khả năng có 75.784 hộ thiếu nước sinh hoạt, 51 trạm cấp nước sạch sử dụng nguồn nước nhiễm mặn và 55 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) thông tin: “Mặn mới ngấp ngé tới địa bàn xã Phú Sơn và xã Hưng Khánh Trung với độ mặn cao nhất đo được là 1,5‰. Dự kiến tới ngày 30 Tết, mặn sẽ xâm nhập vào một nửa địa bàn huyện, tới nhánh sông Hàm Luông thuộc xã Tân Thới và nhánh sông Cổ Chiên thuộc xã Tân Thiềng. Độ mặn dự báo vào thời điểm này khoảng 4‰”.

Theo ông Liêm, so với năm rồi, mặn xâm nhập trễ hơn và độ mặn cũng không cao hơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào gió chướng nếu thổi mạnh thì mặn sẽ lên nhanh và cao. “Từ giữa năm 2020, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con thường xuyên theo dõi độ mặn và chuẩn bị dụng cụ trữ nước. Đến nay, họ đã có kinh nghiệm trong việc phòng, chống hạn, mặn”, ông Liêm nói.

Tại Trà Vinh, từ cuối năm 2020, nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông và trước một số cửa các cống đầu mối thủy lợi trên địa bàn tỉnh, với độ mặn đo được thấp nhất là 1‰ và cao nhất là 7,7‰.

Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh điều chỉnh khung thời vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2020-2021, bắt đầu từ ngày 20/10/2020 đến ngày 20/12/2020.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới