Ứng dụng truy vết Covid-19 có xâm phạm sự riêng tư của người dùng?
Nhiều ý kiến lo ngại về sự riêng tư khi cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone, mặc dù có thể hỗ trợ nhận biết nguy cơ tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19.
Trước thông tin ứng dụng Bluezone ra mắt, có thể giúp truy vết giao tiếp trong khoảng cách 2m với những smartphone có cài đặt ứng dụng. Đây là một trong những giải pháp khả thi giúp cơ quan quản lý cũng như người dân chủ động ngăn chặn tối đa nguy cơ mắc Covid-19. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn còn lo lắng về việc lộ lọt thông tin cá nhân khi sử dụng ứng dụng.
Người dân vẫn còn lo lắng về việc lộ lọt thông tin cá nhân khi sử dụng ứng dụng truy vết qua Bluetooth. |
Anh Nguyễn Thanh Long, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Covid-19 là bệnh lây lan rất nhanh qua tiếp xúc. Tại một thành phố đông đúc như Hà Nội, rất khó để xác định hay nhớ được hết mình đã từng tiếp xúc trong khoảng 2m với ai. Ứng dụng giúp truy vết tiếp xúc này thật sự hữu ích giúp người dân an tâm hơn, tuy nhiên những thông tin cá nhân chúng tôi cung cấp thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”
Cùng thắc mắc, anh Trần Đức Cường, quận Hoàng Mai, Hà Nội nêu ý kiến “ứng dụng truy vết thông qua Bluetooth vậy chúng tôi có bị thu thập dữ liệu vị trí của mình không? Tự dưng lại chạy thêm một ứng dụng liên tục có khiến điện thoại nhanh hết pin hơn khi không phải ai cũng sẵn sàng mang sạc dự phòng theo mình”.
Những thắc mắc này không chỉ có riêng đối với người dùng Việt, mà cũng có tại ngay những quốc gia phát triển sử dụng ứng dụng truy vết Covid-19.
Tại Australia, các quan chức y tế đã phải lên tiếng bác bỏ tin giả lan truyền trên mạng xã hội rằng Covidsafe “có thể nhận ra bạn ở khoảng cách 20km tính từ địa chỉ nhà”. Ông Greg Hunt, Bộ trưởng Y tế Australia khẳng định ứng dụng không theo dõi vị trí, mà chỉ đo khoảng cách giữa điện thoại của người dùng với những điện thoại khác có cài ứng dụng.
Google và Apple, hai hãng đang sở hữu Android và iOS - hệ điều hành được cài trên hơn 90% smartphone toàn cầu, khẳng định sự riêng tư là ưu tiên hàng đầu đối với các thiết kế ứng dụng truy vết. Ứng dụng dạng này sẽ dừng hoạt động khi đại dịch kết thúc.
Trước những hậu quả khó lường của đại dịch, người dân nhiều quốc gia bắt đầu chấp nhận các công cụ giám sát. Khảo sát của Pew Research đầu tháng 4 cho thấy hơn một nửa số người tham gia tại Mỹ “phần nào chấp nhận” cho chính phủ sử dụng dữ liệu smartphone để xác định người dương tính với Covid-19 đã đi đâu, tiếp xúc với ai; 45% đồng ý cho chính phủ thực hiện biện pháp này với những người có thể đã tiếp xúc gần với ai đó nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trước khi được công bố chính thức, Bluezone đã được đánh giá bởi nhiều đơn vị chức năng chuyên ngành. |
Tại Việt Nam, trước khi được công bố chính thức, Bluezone đã được đánh giá bởi các đơn vị chức năng gồm: Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an).
Cục Tin học hóa khẳng định, Bluezone có 5 đặc trưng quan trọng, trong đó ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên máy của người dùng, không chuyển tiếp lên hệ thống. Chỉ khi người dùng trở thành F0, dữ liệu này mới được chia sẻ cho cơ quan chức năng, bởi lẽ mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đều ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan Y tế có thẩm quyền mới có thể biết những người nhiễm và nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.
Đặc biệt, Bluezone cũng không thu thập dữ liệu về vị trí người dùng và cũng không gây tốn pin do sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (chỉ sử dụng trên dưới 10% pin khi bật Bluetooth cả ngày).
Cục Tin học hóa cũng cho biết, dự án Bluezone được mở mã nguồn theo bản quyền GPL 3.0. Tất cả người dùng được tự do tìm hiểu hoạt động hệ thống ở mức mã nguồn, được tự do sử dụng, nghiên cứu, sửa đổi và chia sẻ.
Việc ứng dụng được mở mã nguồn để bảo đảm tính minh bạch và đóng góp cho cộng đồng trong việc chống dịch. Toàn bộ dữ liệu liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế, Bộ TT&TT quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật.
“Đây là xu hướng chung mà các nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Singapore và các nước khác đều đang áp dụng. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đến thời điểm này có kế hoạch mở mã nguồn sản phẩm. Đây cũng là một bước thay đổi đột phá trong tư duy làm ứng dụng phục vụ cộng đồng”, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh./.
Vân Anh