UNEP kêu gọi tham gia thỏa thuận toàn cầu nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa
Việc các quốc gia cùng tham gia đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa là đề nghị của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).
Việt Nam sẽ tham gia thỏa thuận toàn cầu
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đồng ý chủ trương Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án và tiến hành đàm phán.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, việc các quốc gia cùng tham gia đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa là đề nghị của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trước tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn cầu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu, nếu không kịp thời ngăn chặn, nhân loại sẽ chịu nhiều tác động và gánh hậu quả khó lường trong tương lai. Tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Bộ TN&MT sẽ chịu trách nhiệm quản lý và nội dung chủ trì đàm phán về cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải; tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa; Quản lý, giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương.
Ngoài ra, còn có Trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa (EPR); Nhãn sinh thái đối với túi ni lông thân thiện môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường; Đặt cọc hoàn trả để tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Mô hình thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa; Nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất.
Để chuẩn bị cho việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Thứ trưởng yêu cầu phải đánh giá đúng thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam, có đối chiếu so sánh với các nước để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đàm phán. Chủ trương và nội dung tham gia đàm phán phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế. Sau khi thống nhất nội dung đàm phán, Việt Nam cần tính đến việc nội luật hóa các quy định trong Thỏa thuận – đây là những nội dung sẽ tác động không nhỏ đến ngành nhựa và ý thức, hành vi tiêu dùng của người dân.
Theo đề xuất của UNEP, Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ hướng đến việc chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; Giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn.
Hiện, một số thành viên các quốc gia Châu Á đã đưa ra lệnh cấm đối với nhựa sử dụng một lần sản phẩm, hạn chế sử dụng hạt vi nhựa trong một số loại sản phẩm, triển khai các hệ thống trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trên toàn toàn bộ vòng đời của nhựa.
Đồng thời, áp dụng các biện pháp dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền đang được triển khai để nâng cao nhận thức cũng đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong việc thu gom rác thải và tỷ lệ tái chế. Có nhiều sáng kiến khu vực khác nhau, bao gồm hướng dẫn hài hòa các cơ chế giám sát và đánh giá về rác thải biển và ô nhiễm nhựa, chuẩn bị một nền tảng để chia sẻ dữ liệu hài hòa, và cung cấp hỗ trợ quốc tế hướng tới xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia.
Theo đó, tham gia đàm phán ô nhiễm nhựa toàn cầu, các quốc gia cùng tập trung thực hiện việc loại bỏ dần hoặc giảm cung, cầu sử dụng nhựa polymer nguyên sinh; đối với sản nhựa có vấn đề, có thể cấm và loại bỏ dần từ việc giám sát sản xuất nguyên liệu thô, đưa vào kiểm soát nhập khẩu.
Các bên cũng sẽ bàn về việc cấm, loại bỏ dần hoặc giảm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng hóa chất và polymer, với các biện pháp như điều chỉnh thông qua lệnh cấm, loại bỏ dần, giảm bớt hoặc kiểm soát, yêu cầu xuất nhập khẩu; tăng tính minh bạch thông qua theo dõi phân loại và khối lượng, yêu cầu công bố thông tin, đánh dấu và dán nhãn.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bằng cách khuyến khích đổi mới và sản phẩm thay thế (bao gồm hóa học xanh/bền vững và đơn giản hóa hóa học; khuyến khích nghiên cứu và phát triển các chất phụ gia và polymer bền vững).
Bên cạnh đó, vấn đề vi nhựa, tăng cường quản lý chất thải, thúc đẩy tính tuần hoàn sản phẩm cũng được chú trọng trong Thỏa thuận. Khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm nhựa và bao bì. Thúc đẩy việc sử dụng các giải pháp thay thế an toàn và bền vững. Tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công bằng, bao gồm quá trình chuyển đổi toàn diện của khu vực chất thải không chính thức.
Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) và Bờ Biển Ngà (Quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện) đã lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là SOLUTIONS TO PLASTIC POLLUTION (“Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”).
Với khẩu hiệu “Beat Plastic Pollution” - Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa, Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ được hỗ trợ bởi Chính phủ Hà Lan, một trong những quốc gia có hành động đầy tham vọng đối với vòng đời của nhựa. Nước này là một bên ký cam kết toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới và là thành viên của Hiệp hội đối tác toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác biển. Đây cũng là một thành viên của Liên minh tham vọng cao kêu gọi sự ràng buộc pháp lý quốc tế mạnh mẽ và đầy tham vọng để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.
Lan Anh