Thứ bảy, 27/04/2024 10:19 (GMT+7)
Thứ hai, 10/01/2022 14:00 (GMT+7)

Từ gói phục hồi KT-XH, các địa phương ồ ạt xin vốn làm đường cao tốc

Theo dõi KTMT trên

Gói 103 nghìn tỷ chi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong phân bổ của Chương trình phục hồi KT-XH, sẽ cần được giải ngân trong 2 năm 2022-2023. Hiện hàng loạt địa phương đang đề xuất được bố trí vốn từ gói này để làm đường cao tốc.

Thông tin cho biết, trong cấu phần của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình phục hồi) trị giá 347 nghìn tỷ mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét thông qua, chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiếm khoảng 30%. Số vốn 103 nghìn tỷ này được bố trí trực tiếp từ nguồn tăng bội chi ngân sách Nhà nước.

Từ gói phục hồi KT-XH, các địa phương ồ ạt xin vốn làm đường cao tốc - Ảnh 1

Các địa phương ồ ạt xin vốn làm đường cao tốc từ gói phục hồi KT-XH. (Ảnh minh họa)

Ở tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ triển khai Chương trình phục hồi nêu rõ thời gian thực hiện Chương trình chủ yếu trong 2 năm. Tức là trong giai đoạn 2022-2023, toàn bộ 103 nghìn tỷ này sẽ cần được giải ngân hết. Trước số vốn lớn và thời gian triển khai ngắn như vậy, một số đại biểu cho rằng cần thiết xem xét tính khả thi của khả năng hấp thụ các nguồn lực trong thời gian 2 năm, nhất là với các dự án đầu tư công.

Cụ thể, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nhận định việc dành khối lượng lớn vốn đầu tư công, đặc biệt cho đầu tư hạ tầng giao thông là phù hợp, tuy nhiên giải ngân khối lượng vốn lớn như vậy trong 2 năm là rất khó.

Từ gói phục hồi KT-XH, các địa phương ồ ạt xin vốn làm đường cao tốc - Ảnh 2
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai).

“Mặc dù Chính phủ có trình một số giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong hai năm 2022-2023, nhưng cá nhân tôi cho rằng việc giải ngân 55% tổng số vốn bố trí cho đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và 5 tuyến cao tốc khác trong 2 năm, còn lại 3 năm chỉ có 45% là rất khó".

Chính vì thế, đại biểu Lê Hoàng Anh gợi ý bố trí một phần vốn từ Chương trình phục hồi cho một số tuyến đường giao thông mà địa phương đề nghị, với mức bố trí khoảng 1.000 tỷ mỗi dự án giao thông phù hợp, sao cho đảm bảo khả năng thi công, giải ngân vốn trong năm 2022-2023.

Nhiều địa phương tha thiết xin vốn làm đường cao tốc

Tại phiên thảo luận trực tuyến hôm 7/1, các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Nam Định, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông… là những địa phương đề nghị được bố trí vốn từ Chương trình phục hồi để làm đường cao tốc. Các đại biểu đều trình bày tính thiết thực và ý nghĩa lan tỏa, hiệu quả kinh tế to lớn một khi các dự án cao tốc này được triển khai và đi vào hoạt động.

Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) đề nghị Chính phủ cân đối kinh phí để triển khai sớm một số dự án cao tốc vùng núi phía Bắc đã có trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như đoạn đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, Tuyên Quang - Hà Giang, Sơn La - Điện Biên.

Những tuyến đường này không chỉ có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thông trong nước với cửa khẩu mà còn có ý nghĩa trọng yếu về quốc phòng, an ninh vùng biên giới phía Bắc, đại biểu Luyến cho hay.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) đồng tình với đại biểu Lò Thị Luyến, đề nghị ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc cho các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Trong đó đặc biệt đề xuất đẩy nhanh tiến độ cấp vốn đầu tư tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng do đây là trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và là tuyến giao thông kết nối với các tỉnh của Trung Quốc là Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây.

Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) thì đề nghị đưa dự án kết nối cao tốc đoạn từ thành phố Cao Bằng đến đường cao tốc Đồng Đăng - Lạng Sơn - Trà Lĩnh - Cao Bằng với chiều dài trên 25km, tổng mức đầu tư khoảng 1.350 tỷ đồng, thời gian hoàn thành là năm 2023 vào danh mục các dự án giao thông kết nối nhận phân bổ vốn từ Chương trình phục hồi. Theo đại biểu, dự án hoàn thành sẽ kết nối thành phố Cao Bằng với tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, mở rộng không gian phát triển của Cao Bằng với các tỉnh trong khu vực, tăng tính kết nối vùng.

Khu vực phía Đông Bắc Bộ, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) và Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đồng loạt xin ưu tiên xây dựng tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình chiều dài khoảng 79 km, thuộc quy hoạch tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh dài 160 km nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, khai thác hết tiềm năng kinh tế - xã hội, du lịch cũng như bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị Chính phủ cân đối nguồn vốn, ưu tiên triển khai tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) để kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát huy tiềm năng, thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư và phát triển, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, có địa phương còn đề xuất xin vốn từ Chương trình này để xây dựng các tuyến cao tốc đã được phê duyệt theo chủ trương ban đầu là PPP (đối tác công - tư).

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất phân bổ một phần vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong Chương trình phục hồi cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thay vì hình thức đầu tư PPP như đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1602 ngày 23/9/2021. Lý do mà đại biểu đưa ra là nếu đầu tư PPP thì khó khăn trong việc thu xếp tài chính của các nhà đầu tư trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dẫn đến kéo dài, chậm trễ trong triển khai dự án.

Nhiều đại biểu khác từ Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Quảng Ngãi cũng đề xuất Chính phủ, Quốc hội phân bổ nguồn lực từ Chương trình phục hồi để đầu tư nâng cấp cao tốc hoặc xây dựng các tuyến đường Quốc lộ kết nối với cao tốc…

Bố trí vốn phải chọn lọc những dự án cao tốc thực sự khả thi

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, gói 103 nghìn tỷ phân bổ cho đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng là hoàn toàn hợp lý và không phải con số lớn.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Có khả năng gói đầu tư kết cấu hạ tầng là gói giải ngân tốt nhất, tạo hiệu quả và sức bật nhất trong Chương trình phục hồi lần này. Vì gói hỗ trợ lãi suất thì còn tùy thuộc vào nhu cầu tín dụng và khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nữa. Doanh nghiệp muốn vay nhưng không đủ điều kiện vay thì cũng chịu thôi”.

Đề xuất của địa phương về việc làm các tuyến đường cao tốc nếu thực sự hiệu quả, khả thi và có thể giải ngân nhanh trong 2 năm 2022-2023 thì rất tốt, TS Nghĩa cho hay.

Từ gói phục hồi KT-XH, các địa phương ồ ạt xin vốn làm đường cao tốc - Ảnh 3
TS Lê Xuân Nghĩa.

"Nếu địa phương làm thêm được các tuyến đường cao tốc mà thực sự chất lượng, hiệu quả, giải ngân được nhanh chóng thì rất tốt. Vì hiện nay tỷ lệ km đường cao tốc trên tổng dân số tại Việt Nam vẫn đang nằm trong top thấp nhất khu vực".

TS Lê Xuân Nghĩa mói thêm: “Càng có thêm các tuyến cao tốc tại địa phương càng tạo động lực cho phục hồi kinh tế và tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Nhưng bố trí vốn phải chọn lọc những dự án cao tốc thực sự khả thi, có tiềm năng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất vì nguồn lực 103 nghìn tỷ theo dự thảo như tôi đã nói không phải con số lớn, hơn nữa trong đó đã phân bổ tới 72 nghìn tỷ cho cao tốc Bắc - Nam rồi”.

Mặt khác, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng tốc độ giải ngân của gói đầu tư công 103 nghìn tỷ nói chung phụ thuộc rất lớn vào “1 luật sửa 8 luật”, bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự mà Chính phủ đang trình Quốc hội.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Trước tiên phải gỡ được vướng mắc thể chế thì giải ngân mới nhanh, hiệu quả phục hồi phát triển kinh tế mới kịp thời".

Trong phiên thảo luận tại tổ hôm 6/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra hiệu quả thấp trong tiến độ làm đường cao tốc: "Sau 20 năm khởi động làm đường cao tốc, tới nay chúng ta mới làm được hơn 1.000 km. Như vậy, mỗi năm chưa làm được 50 km".

Trước thực tế này, Thủ tướng cho rằng cần nghiêm túc tổng kết nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thể chế, chính sách để thúc đẩy tiến độ làm đường cao tốc, từ đó hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII: Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Từ gói phục hồi KT-XH, các địa phương ồ ạt xin vốn làm đường cao tốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới