Thứ sáu, 22/11/2024 11:51 (GMT+7)
Thứ hai, 09/03/2020 10:00 (GMT+7)

Từ 1/5, xe vi phạm giao thông không bị tạm giữ nếu có tiền bảo lãnh

Theo dõi KTMT trên

Tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm giao thông.

Từ 1/5, xe vi phạm giao thông không bị tạm giữ nếu có tiền bảo lãnh - Ảnh 1
Xe vi phạm giao thông bị lưu kho (Ảnh: Thanh niên)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Cụ thể, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được giao giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan, của người có thẩm quyền tạm giữ nếu cá nhân, tổ chức vi phạm có một trong hai điều kiện:

- Người vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn, hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức (có địa chỉ rõ ràng) nơi cá nhân vi phạm đang công tác. Tổ chức, cá nhân phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

- Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.

Về trình tự giải quyết việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, Nghị định quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện.

Trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi giữ, bảo quản phương tiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao giữ, bảo quản phương tiện.

Khi gửi đơn phải gửi kèm bản chính hoặc bản sao (công chứng, chứng thực hoặc có bản chính đối chiếu) sổ hộ khẩu/sổ tạm trú hoặc chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc giấy xác nhận nơi công tác.

Trong thời hạn không quá 2 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo quản. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm thời gian để xác minh thì trong thời hạn không quá 3 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Trường hợp không giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm từ khi ra quyết định tạm giữ cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

Nghị định cũng quy định cụ thể các trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản gồm: Phương tiện giao thông của vụ vi phạm pháp luật là vật chứng của vụ án hình sự; sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/5/2020.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Từ 1/5, xe vi phạm giao thông không bị tạm giữ nếu có tiền bảo lãnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới