Từ 1/10, phạt đến 10 triệu đồng nếu nhắn tin, gọi điện quảng cáo chưa được người nhận đồng ý
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo đó, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi gọi điện quảng cáo khi chưa được người nhận đồng ý một cách rõ ràng.
Trong thời gian qua, dù các nhà mạng đã triển khai những giải pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi “rác” từ phản ảnh của khách hàng nhưng trên thực tế vẫn không ngăn được tin nhắn, cuộc gọi “rác” hoành hành.
Theo đó, từ ngày 1/10 tới, chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi được người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo.
Từ 1/10, chỉ được nhắn tin, gọi điện quảng cáo khi người nhận đồng ý. (Ảnh minh họa) |
Quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác
Cụ thể, Nghị định 91 đã quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác. Khi thực hiện các chương trình quảng cáo, Người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi đồng thời bản tin nhắn quảng cáo tới hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656).
Người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Thông tin, dữ liệu từ Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và các nguồn thông tin, dữ liệu khác được sử dụng để điều phối xử lý, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) là cơ quan điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử và Người quảng cáo có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin).
Theo Điều 7 trong Nghị định 91/2020/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền đăng ký hoặc rút ra khỏi Danh sách không quảng cáo (tập hợp số điện thoại mà người sử dụng đã đăng ký là không chấp nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào). Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet không được phép gọi điện quảng cáo, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong danh sách nói trên. |
Phạt đến 10 triệu đồng khi gọi, nhắn tin quảng cáo mà chưa được người sử dụng cho phép
Về xử phạt vi phạm hành chính, Điều 32 của Nghị định quy định:
Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi:
- Gọi điện quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng.
- Gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo.
- Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.
Bên cạnh đó, các hành vi liên quan đến việc không cung cấp công cụ cho người sử dụng chặn tin nhắn, cuộc gọi rác có thể bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng. Không thực hiện các biện pháp chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo có thể bị phạt từ 140 đến 170 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2020.
Mỗi tháng có khoảng 10.000 số điện thoại quấy nhiễu hàng triệu người với hàng triệu cuộc gọi “rác” giới thiệu, quảng cáo sản phẩm dịch vụ và mời mua bảo hiểm nhân thọ, căn hộ, suất du lịch nghỉ dưỡng… khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi. Theo nhiều chuyên gia, với vai trò là đầu mối tập trung tất cả tin nhắn trước khi chuyển đến cho người sử dụng, nhiều nhà mạng hiện nay chưa can thiệp kiểm soát ngay từ đầu. Cụ thể, các nhà mạng thực hiện đăng ký thông tin thuê bao trả trước, kiểm tra tính xác thực thông tin... còn lỏng lẻo, hoặc chỉ giải quyết sự vụ, dù cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra và đã xử phạt nhiều trường hợp nhưng thực tế mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. |
Nguyễn Luận