Thứ bảy, 14/12/2024 13:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/11/2024 16:58 (GMT+7)

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần có quỹ tài chính xanh

Theo dõi KTMT trên

Theo T.S Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, ngoài việc xây dựng cơ chế cụ thể cho tài chính xanh, Chính phủ nên nghiên cứu lập quỹ tài chính xanh.

Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Tại Việt Nam, tài chính xanh là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu. Tuy nhiên, quá trình phát triển tài chính xanh cũng đang đặt ra một số vấn đề khó khăn, hạn chế, cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ban hành, điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới vẫn đang ở mức thử nghiệm.

Đối với cổ phiếu xanh, chưa có khung chính sách phát triển thị trường cũng như các quy định về các sản phẩm (quy cách, điều kiện phát hành…), thị trường mới đang ở trong giai đoạn tạo lập.

Đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.

Tính đến nay, Việt Nam Việt Nam chưa có dòng ngân sách riêng cho ứng phó với biến đổi khí hậu mà được hòa chung với ngân sách về môi trường.

Trong việc triển khai tín dụng xanh, thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro,... dẫn đến khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.

Những con số như tín dụng xanh chưa đến 5% tổng vốn tín dụng cho nền kinh tế, hay mới hơn 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành… là những con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường bên lề một hội thảo mới đây T.S Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, tài chính xanh hiện là một khái niệm còn mới. Không chỉ mới ở Việt Nam mà còn cả các nước khác. Tại phương Tây, trong các cuộc phỏng vấn gần đây, người dân vẫn còn mơ hồ không biết tài chính xanh nghĩa là gì. Theo ông Nghĩa, tại Việt Nam có mấy vấn đề lớn cần phải quan tâm để phát triển thị trường này trong tương lai.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần có quỹ tài chính xanh - Ảnh 1
T.S Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. Ảnh: Duy Khánh

Theo đó, cần xem xét toàn bộ cơ sở pháp lý để hiểu rõ như thế nào là xanh? Các ngành, lĩnh vực được gọi là xanh khi nào? Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có một Nghị định về hạng mục xanh. Thứ hai là nguồn tiền và chính sách sử dụng nó. Chúng ta không nên hiểu tài chính xanh là cứ tài trợ cho một nhà máy điện mặt trời, điện gió là xanh. Bởi vì tài trợ đó cũng giống như việc tài trợ cho nhà máy điện than. Do đó, cần phải có quỹ tài chính xanh, chính sách dành riêng cho tài chính xanh. Ví dụ như được vay dài hạn, không thế chấp hay lãi suất ưu đãi. "Chúng ta rót nước vào bình xanh gọi là xanh, nếu rót vào bình không xanh thì là không xanh" - ông Nghĩa ví von. Quan trọng nhất là phải có cơ chế tài chính, kể cả là tiêu dùng, trái phiếu để phát triển tài chính xanh. Nếu ai cũng tiếp cận được tài chính xanh thì không phải xanh. Có nghĩa là nền tảng pháp lý của tín dụng xanh là điều quan trọng nhất. "Tránh tình trạng hạt thóc vãi ra, con gà xanh ăn thì gọi là tài chính xanh. Con gà vàng ăn thì gọi là tài chính vàng" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất, Chính phủ cần một quỹ tài chính xanh, trong đó gồm trái phiếu doanh nghiệp, có thể là phần lớn các ngân hàng thương mại tham gia vào quỹ này. Hoặc dưới dạng tín dụng xanh, nhưng phải có một chương trình riêng, có chính sách ưu đãi. "Lâu nay chúng ta làm là đơn thuần đi thống kê một ngân hàng thương mại cho vay dự án điện mặt trời từng này, nông nghiệp từng này… Như vậy là xanh. Nhưng dù là dự án nào cũng cần phải có các quy định, lãi suất như các dự án khác. Như vậy các dự án xanh không được hưởng lợi nhiều" - ông Nghĩa chia sẻ. 

Theo Chowdhury và cộng sự (2013), tài chính xanh là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa. Volz (2018) thì cho rằng, hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế xanh bao gồm các trụ cột chính: sản phẩm tài chính xanh, các định chế tài chính xanh, thị trường tài chính xanh.

Đây cũng chính là căn cứ, khung tài chính được khuyến nghị để các quốc gia xây dựng chiến lược và đề xuất giải pháp huy động nguồn tài chính cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần có quỹ tài chính xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 7/12 tăng trưởng tín dụng cả nước đạt khoảng 12,5%, cao hơn so với thống kê cuối tháng 11.

Tin mới