Trung Quốc: Ứng dụng dữ liệu viễn thám đo độ trong của nước hồ
Độ trong của nước là một chỉ số đáng tin cậy để định lượng hiện tượng phú dưỡng - một dạng biểu hiện của ao hồ bị ô nhiễm do dư thừa các chất dinh dưỡng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: the-latest) |
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành đo lường độ trong của nước hồ và các hồ chứa bằng cách sử dụng dữ liệu hình ảnh viễn thám (ảnh thu được từ bộ cảm biến vệ tinh viễn thám).
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Viễn thám về Môi trường mới đây, độ trong của nước là một chỉ số đáng tin cậy để định lượng hiện tượng phú dưỡng - một dạng biểu hiện của ao hồ bị ô nhiễm do dư thừa các chất dinh dưỡng.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Địa lý và Nông học Đông Bắc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã thu thập 2.152 mẫu nước từ 34 khu vực trong giai đoạn 2013-2018.
Dựa trên dữ liệu đo được và dữ liệu viễn thám Landsat OLI, họ đã phát triển các mô hình hồi quy để lập bản đồ về độ trong của nước với độ phân giải 30m ở quy mô quốc gia.
Nghiên cứu cho thấy các hồ ở phía Đông Bắc và phía Đông Trung Quốc có độ trong thấp do độ sâu của nước nông kết hợp với nhiều thực vật trôi nổi và các loài tảo phát triển phong phú.
Các hồ nước ở cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, Khu tự trị Nội Mông và Khu tự trị Tân Cương cho thấy độ trong trung bình, trong khi các hồ ở cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng có độ trong cao nhất.
Hình ảnh của Landsat đã được chứng minh có thể áp dụng trong việc cung cấp thông tin định lượng về độ trong của nước hồ. Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ công tác quản lý nguồn nước trong nước cũng như cải thiện chất lượng nước.
Hiện tượng phú dưỡng thường xảy ra khi các chất dinh dưỡng gia tăng trong các ao, hồ, khiến các loài tảo phát triển mạnh làm hạn chế ánh nắng Mặt Trời.
Với hồ phú dưỡng, lượng O2 hòa tan tăng đáng kể khi trời tối do sự hô hấp của tảo, gây thiếu O2 cho các sinh vật thủy sinh. Hiện tượng phú dưỡng có thể gây ra cạnh tranh giữa các loài trong hệ sinh thái, làm thay đổi trong thành phần loài của hệ sinh thái.
Ngoài ra, một số tảo nở hoa có chứa các hợp chất độc hại, tác động lên chuỗi thức ăn, khiến nhiều động vật chết. Đối với con người, nhiều vùng sử dụng nước ao hồ để cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên, do nước chứa nhiều thực vật trôi nổi làm cản trở việc làm sạch, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho người dân.