Thứ sáu, 22/11/2024 15:37 (GMT+7)
    Thứ ba, 08/02/2022 09:10 (GMT+7)

    Trong năm 2022, dấu hiệu 'sốt' giá bất động sản được Bộ Xây dựng chỉ ra

    Theo dõi KTMT trên

    Năm 2022, Bộ Xây dựng nhận định có thể xảy ra "sốt giá" bất động sản, đặc biệt là khi nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

    Bộ Xây dựng đã có văn bản hôm 28/1 công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý IV/2021 và cả năm 2021. Theo đó, thị trường BĐS đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

    Trong năm 2022, dấu hiệu 'sốt' giá bất động sản được Bộ Xây dựng chỉ ra - Ảnh 1
    Vẫn có thể "sốt giá" BĐS trong năm 2022. (Ảnh minh họa)

    Nguồn cung và giao dịch suy giảm

    Thống kê cho thấy, nguồn cung các dự án BĐS mới được cấp phép trong năm 2021 tiếp tục giảm so với năm 2020. Trong đó, nguồn cung BĐS nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.

    Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 252 dự án với 99.958 căn hộ được cấp phép, bằng khoảng 34% so với năm 2020; 1.046 dự án với 299.075 căn hộ đang được triển khai xây dựng, bằng khoảng 88,5% so với năm 2020; 172 dự án với 24.027 căn hộ đã hoàn thành xây dựng, bằng khoảng 59,7% so với năm 2020.

    Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.763 căn hộ; 16 dự án với 3.046 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 9 dự án với 2.127 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng.

    Trong năm 2022, dấu hiệu 'sốt' giá bất động sản được Bộ Xây dựng chỉ ra - Ảnh 2
    Số lượng dự án phát triển nhà ở thương mại được cấp phép, đang triển khai và hoàn thành trong năm 2021. (Ảnh chụp màn hình).

    Đối với dự án nhà ở công nhân, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.144 căn hộ, tổng diện tích 2.710.000 m2; 107 dự án đang được tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 145.000 căn hộ, tổng diện tích 7.330.000 m2.

    Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, trên cả nước có 52 dự án với 13.554 căn hộ du lịch, có 2.280 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép. Số lượng dự án bằng khoảng 35,4% so với năm 2020. 19 dự án với 165 căn hộ du lịch đã hoàn thành xây dựng trong năm.

    Với dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, trên cả nước có 350 dự án với 113.926 căn hộ theo thông báo của các Sở Xây dựng. Con số này tăng hơn 13.000 căn hộ so với năm 2020.

    Năm 2021, trên cả nước có 282.105 giao dịch BĐS thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch; Lượng giao dịch đất nền là 170.465 giao dịch. Riêng tại TP.Hà Nội có 10.875 giao dịch thành công; Tại TP.HCM có khoảng 14.443 giao dịch thành công.

    Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 96,7% so với năm 2020. Lượng giao dịch đất nền tăng mạnh tại các thời điểm cuối quý I, đầu quý II và tháng cuối năm 2021.

    Nhiều nơi "sốt" giá và khả năng tái diễn

    Tuy nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá BĐS, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm 2021.

    Giá căn hộ chung cư tính đến cuối năm đã tăng bình quân khoảng 5-7%, nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

    Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (tăng 45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%).

    Mặt khác, nhiều nơi như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

    Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.

    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS,... đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.

    Theo báo cáo của các địa phương, đến nay thì hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS là khó xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022, đặc biệt, khi nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát.

    Kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008-2009, nếu không được kiểm soát tốt, gói kích thích có thể tác động làm thị trường BĐS phát triển sốt.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Trong năm 2022, dấu hiệu 'sốt' giá bất động sản được Bộ Xây dựng chỉ ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới