Thứ hai, 14/10/2024 17:21 (GMT+7)
Thứ hai, 14/10/2024 14:00 (GMT+7)

Triều cường báo động 3: TPHCM đối mặt nguy cơ ngập lụt

Theo dõi KTMT trên

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai xuống nhanh, và hiện đang ở mức thấp.

Dự báo trong vài ngày tới mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ lên nhanh. Đến ngày 14/10 đỉnh triều cao nhất ngày có thể đạt mức xấp xỉ Báo động 1.

Triều cường báo động 3: TPHCM đối mặt nguy cơ ngập lụt - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 19 đến ngày 21-10 (tức 17 đến 19 tháng 9 Âm lịch) và đạt mức như sau:

Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn), và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) đạt mức 1,65 đến 1,75m (trên báo động 3 từ 0,05 đến 0,15m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4 đến 7 giờ và 16 đến 19 giờ.

Tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đạt mức 1,7 đến 1,8m (trên báo động 3 từ 0,1 đến 0,2m); tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) đạt mức 2 đến 2,1m (xấp xỉ hoặc trên báo động 2 là 0,1m).

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 1. Kỳ triều cường này cao do đó cần đề phòng mưa lớn kết hợp với triều cao gây ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven sông ảnh hưởng đến giao thông, các hoạt động kinh tế - xã hội khu vực TPHCM.

Dự báo một số tuyến đường khu vực trũng, thấp, ven sông, kênh rạch ở TPHCM có thể bị ngập như: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Cùng với đó, những vùng ven sông như quận 8, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè cũng xảy ra ngập khi triều cường cao.

Những ngày tới được dự báo có khả năng xuất hiện mưa nhiều, và tổng lượng mưa cũng lớn, dự báo có những trận mưa đạt 80 đến 100mm, xảy ra cùng lúc với triều cường, do đó nguy cơ ngập rất cao. Chính vì vậy, người dân cần chủ động để tránh các tác hại của triều cường lên cao, cũng như lũ sẽ lên liên tiếp.

Nhìn vào thống kê của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, từ năm 1980 đến 2007, triều cường đo được tại các trạm luôn dưới 1,5m. Nhưng từ năm 2008 đến nay, biến đổi khí hậu đã làm xuất hiện các đợt triều cường cao, những năm gần đây đỉnh triều năm sau cao hơn năm trước (có thời điểm đạt 1,8m).

Nhận định về tình hình thời tiết TPHCM trong những ngày giữa tháng 10, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, hiện nay áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, từ khoảng ngày 14 - 15/10 suy yếu dần.

Rãnh áp thấp xích đạo khoảng ngày 15 - 16/10 có xu hướng hoạt động tốt trở lại và nâng trục chậm lên phía bắc. Nhiễu động gió đông trên cao (gây mưa) hoạt động tốt trên khu vực Nam bộ. Trên các vùng biển Nam bộ gió đông bắc hoạt động với cường độ yếu.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, trong những ngày giữa tháng 10 thời tiết TPHCM phổ biến có mưa, mưa rào rải rác đến nhiều nơi. Khả năng sẽ có những đợt mưa trên diện rộng với một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài một vài ngày. Tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, từ 90 - 160mm. Đáng chú ý, Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng khả năng mưa lớn gây ngập cục bộ vùng trũng thấp, vùng kém khả năng tiêu thoát nước.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Triều cường báo động 3: TPHCM đối mặt nguy cơ ngập lụt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết tha, sâu lắng với thi phẩm "Hải Phòng miền cửa biển"
Không chỉ là lãnh đạo doanh nghệp tâm huyết, yêu môi trường, mà TS Phạm Hồng Điệp còn dành cho nơi ông sinh ra những thi ca thiết tha trìu mến. Từ đó chính viên ngọc Hải Phòng được ông phác họa với bài thơ phổ nhạc mang tên: "Hải Phòng miền cửa biển".