Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nợ đọng BHXH, BHYT
Xác định việc đôn đốc thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT.
Nợ BHXH có chiều hướng gia tăng
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2019, tổng thu BHXH, BHYT toàn ngành là 79.293 tỉ đồng, bằng 22,1% kế hoạch Chính phủ giao. Mặc dù, tiến độ thu so với cùng kỳ các năm trước là khả quan, nhưng tình trạng nợ BHXH lại có chiều hướng gia tăng so với cuối năm 2018. Cụ thể, đến hết tháng 3/2019, số nợ BHXH phải tính lãi là 6.436 tỉ đồng, chiếm 2% số phải thu, tăng 1.087 tỉ đồng so với thời điểm 31/12/2018.
Nợ bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng - Ảnh minh họa |
Ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ BHXH tăng cao, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Do vậy, tình trạng đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng BHXH, BHYT vẫn xảy ra khá phổ biến.
Thực tế cho thấy, có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, nhưng vẫn cố tình không đóng BHXH, BHYT, hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn cho doanh nghiệp. Thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận đóng lãi suất chậm nộp, lạm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động để quay vòng vốn, vì tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động về chính sách BHXH, BHYT cũng chưa đầy đủ, nên còn có những trường hợp đồng ý với chủ sử dụng lao động trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. Cá biệt, nhiều trường hợp có hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT vì sức ép việc làm không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Một số trường hợp khác chưa thực sự quan tâm đến những lợi ích của chính sách BHXH, BHYT mang lại cho bản thân, chưa nắm bắt thông tin của việc đóng - nộp BHXH, BHYT của bản thân nên không có thông tin về việc chủ sử dụng lao động nợ BHXH.
Ngoài những nguyên nhân trên, còn có những lý do khiến tỷ lệ nợ BHXH gia tăng là do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên cũng chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động…
Đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT
Theo Phó trưởng Ban Thu Mai Đức Thắng, để giảm nợ đọng BHXH, thời gian tới, ngành BHXH sẽ tập trung thực hiện việc đôn đốc thu để giảm nợ BHXH, BHYT, đồng thời triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo đó, cơ quan BHXH tăng cường phối hợp với tổ chức công đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến người sử dụng lao động và người lao động, nhằm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của người sử dụng lao động và người lao động.
BHXH Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ nhằm đốc thu, như: Giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ ngay từ đầu năm đối với BHXH từng tỉnh, thành phố; yêu cầu cán bộ chuyên quản thu bám sát đơn vị để đôn đốc doanh nghiệp đóng kịp thời số phát sinh; công khai danh tính đơn vị nợ BHXH, BHYT trên phương tiện thông tin đại chúng…
Cùng với các giải pháp trên, BHXH Việt Nam sẽ triển khai hệ thống tin nhắn tự động, thông báo tình hình thu nộp BHXH của doanh nghiệp cũng như cho phép người lao động nhắn tin tra cứu thời gian đóng BHXH, BHYT; từ đó, giúp người lao động có đủ thông tin về việc đóng nộp BHXH, BHYT của doanh nghiệp, chủ động hơn trong việc tham gia giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Theo Tạp chí Tài chính