Thứ sáu, 29/03/2024 07:40 (GMT+7)
Thứ năm, 24/11/2022 19:50 (GMT+7)

Trái phiếu doanh nghiệp: Giải pháp nào khơi thông dòng vốn?

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia nhận định, khả năng dòng vốn được khơi thông trong ngắn hạn là không nhiều do trong thời gian qua khối ngân hàng đã dành quá nhiều vốn cho ngành bất động sản.

Tháo gỡ nút thắt phát hành trái phiếu ra công chúng

Doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông; các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn nhằm thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Trái phiếu doanh nghiệp: Giải pháp nào khơi thông dòng vốn? - Ảnh 1
Làn sóng giảm giá bất động sản được dự báo sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm, đã có doanh nghiệp bất động sản chiết khấu sâu tới 40% giá trị sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Bàn về giải pháp củng cố niềm tin cho thị trường trái phiếu, cuộc họp sáng 23/11 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được dư luận đặc biệt quan tâm.

Từ khoá ở đây chính xác là niềm tin. Có tới 99,6% lượng trái phiếu lĩnh vực bất động sản từ nay tới cuối năm là có tài sản đảm bảo. Vậy làm sao để trái chủ phân loại được trái phiếu đang nắm giữ là tốt hay không, thay vì có cái nhìn phiến diện, đánh đồng mọi loại trái phiếu, sau khi 1 số vụ việc có tính chất như 'con sâu làm rầu nồi canh'... Điều đầu tiên cần được ưu tiên xử lý, là trả nợ đúng hạn, và đây cũng chính là ưu tiên số 1 của không ít doanh nghiệp phát hành, thay vì tìm kiếm nhiều lý do để lần lữa gia hạn thêm.

Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Tài chính Masan chia sẻ: "Ưu tiên dùng nguồn tiền kinh doanh sản xuất để trả nợ trước còn nguồn khác để huy động lâu dài phải tạm thời dừng lại. Masan sẽ cân nhắc nguồn vốn nước ngoài".

Cùng với đó, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) cho biết: "Chúng tôi xoay sở tất cả các kênh huy động, thậm chí bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về và thực hiện đúng cam kết nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy niềm tin nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy".

Trả nợ đúng hạn và bước tiếp theo, cần phải khơi thông được kênh phát hành trái phiếu ra công chúng khi kênh này gần như không gặp vấn đề về đáo hạn, nhưng lại chiếm tỷ trọng chỉ chưa đến 4% toàn thị trường.

Còn bà Trần Thị Thu Trang, Phó Tổng giám đốc Phụ trách phát hành, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) nói: "Khi làm việc với UBCK chúng tôi thấy quy trình thẩm định chặt chẽ nên nếu được phát hành ra công chúng, niềm tin nhà đầu tư tăng rất nhiều. Tôi rất mong cơ quan nhà nước xem xét quy trình thủ tục tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp".

Ghi nhận kiến nghị này, đại diện UBCK cũng cam kết với doanh nghiệp tại cuộc họp, sẽ tiến hành ngay việc rà soát phát hành trái phiếu ra công chúng để giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính và thời gian phát hành cho doanh nghiệp.

Rõ ràng cơ quan quản lý là chính doanh nghiệp, đều đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Con số giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn trong 10 tháng đạt 143.440 tỷ đồng, tăng tới 42% so với cùng kỳ, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn, cũng phần nào cho thấy nỗ lực này của doanh nghiệp. Tuy nhiên, 1 số giải pháp kỹ thuật khác cũng đã được doanh nghiệp thẳng thắn kiến nghị tại cuộc họp sáng 23/11.

Kiến nghị giải pháp cho thị trường trái phiếu

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Tài chính Vingroup: Hỗ trợ mở thêm room tín dụng để ít nhất lo nguồn vốn ngắn hạn, vốn lưu động hàng ngày của doanh nghiệp, thế còn các khoản nợ đến hạn bọn em sẽ dành từ các nguồn thu hoạt động để có thể trang trải.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII): Hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là dự án bất động sản giải quyết nhanh để đưa ra thị trường sớm. Lúc đó mới có điều kiện để họ bán được với giá rẻ và thu hồi vốn để trả nợ gốc, trả lãi trái phiếu đúng hạn.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc VNDirect: Chúng ta cần xem xét lộ trình áp dụng NĐ65 áp dụng ngay thời điểm ban hành. Đâu đó có thể giãn tiến độ, cho thị trường thích nghi quy định mới của nghị định.

Đề cập đến các giải pháp dài hạn hơn, các thành viên thị trường vẫn đồng tình cho rằng cần tiếp tục chú trọng vào chất, từ vai trò của tổ chức phát hành, tới tổ chức phân phối.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh: Nếu 2 năm nữa có dòng tiền thì anh mới được phát hành 2 năm. Còn nếu tài sản đó 3-4 năm thì phần trái phiếu đó phải kéo dài thời hạn đúng bằng thời hạn điểm rơi nguồn thu anh đem về.

Bà Đỗ Thị Thanh Thuý, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán Khách hàng cá nhân, SSI: Đối với những nhà đầu tư đang gửi tiết kiệm thì luôn luôn nói giống gửi tiết kiệm thôi với lãi suất cao. Mà bản thân trách nhiệm và vai trò công ty chứng khoán chưa thực hiện đầy đủ.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đàm phán trả bằng căn hộ, đất đai, sản phẩm, tôi nghĩ cái này sẽ sửa NĐ65 sớm để tạo điều kiện cho thị trường bởi vì chúng ta ban hành 65 trong khi thị trường còn thuân lợi. Nhưng thị trường thế này thì luật pháp phải thay đổi để phù hợp hoàn cảnh. Cái quan trọng nhất là khi chúng ta ban hành luật pháp phù hợp thực tiễn, tạo nên sự kiến tạo cho phát triển tương lai mới quan trọng.

Liên quan tới vấn đề nới room tín dụng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cũng sẽ có báo cáo trình Chính phủ để hỗ trợ các dự án dở dang để hoàn thiện dự án và khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp. Về phía Bộ, sẽ nỗ lực tối đa, sử dụng mọi công cụ thuộc thẩm quyền để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua những thách thức trước mắt.

Theo Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 330,000 tỷ đồng, giảm 25,2% so với năm 2021. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 150,000 tỷ đồng. Các đơn vị có khối lượng phát hành lớn nhất gồm tổ chức tín dụng, bất động sản, xây dựng.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu doanh nghiệp: Giải pháp nào khơi thông dòng vốn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.