Trách nhiệm trong phát triển giao thông vận tải đường sắt
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải xác định thời hạn hoàn thành, chính sách, giải pháp thực hiện để tập trung bố trí nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, rõ trách nhiệm trong phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Đường sắt kết nối cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và các đầu mối vận tải (tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối TP.HCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành,...), cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực địa phương, tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
Trong nội dung kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam nêu rõ:
Để đảm bảo chất lượng Đề án, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp tại cuộc họp, hoàn thiện Đề án (bao gồm Báo cáo tổng kết, dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị, dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) trên tinh thần đổi mới phương pháp tiếp cận vấn đề, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2022.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá trung thực, phân tích kỹ những tồn tại, nguyên nhân, định lượng cụ thể về những việc đã làm được, chưa làm được nhằm nêu bật kết quả việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, bên cạnh định hướng phát triển, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phải xác định thời hạn hoàn thành, cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện để tập trung bố trí nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, rõ trách nhiệm trong phát triển giao thông vận tải đường sắt thời gian tới. Trong đó, tập trung ba nội dung sau:
Thứ nhất, về đường sắt kết nối cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và các đầu mối vận tải (tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP.HCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành,...), nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực địa phương, tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
Thứ hai, về đường sắt tốc độ cao, khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước để phân tích, so sánh, thống nhất lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tối ưu, nhất là tốc độ và hình thức vận chuyển, lộ trình, thời gian chuẩn bị, thực hiện, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thứ ba, về đường sắt đô thị, đánh giá kỹ việc triển khai đầu tư xây dựng đường sắt đô thị thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất rõ thời hạn hoàn thành mạng đường sắt đô thị cùng với việc đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện cụ thể.
Được biết, mục tiêu của Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả; tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Huyền Diệu