Trà Vinh: Hiệu quả từ mô hình du lịch ‘thuận thiên’
Ghi nhận hiệu quả mang lại từ mô hình du lịch “thuận thiên”, thời gian tới tỉnh Trà Vinh sẽ đẩy mạnh loại hình này và hướng đến mục tiêu du lịch sẽ là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Tận dụng tiềm năng tự nhiên để phát triển kinh tế
Theo ông Lê Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND Tỉnh Trà Vinh, ngành du lịch đã có những bước phát triển đột phá, tỉnh đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng... hình thành nên các tuyến du lịch được các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh lựa chọn là tham quan khi đến với ĐBSCL.
So với giai đoạn trước, năm 2016 - 2020 lượng khách du lịch đến Trà Vinh tăng 17,84%. Riêng năm 2019, tỉnh đón hơn 1 triệu lượt khách và sau khi dịch cơ bản được kiểm soát trong bốn tháng đầu năm 2020 tỉnh đón hơn 200.000 lượt khách tham quan.
GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp khoa Văn hoá học, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM (Đại học quốc gia TP.HCM), cho biết: Trà Vinh đang hình thành một số điểm du lịch khá tiêu biểu tích hợp hầu hết các loại hình du lịch nông thôn theo cách riêng và mức độ hội tụ khá thành công.
Theo bà Hiền, trên cơ sở người dân vùng Cồn Chim kiên trì với định hướng nông nghiệp sạch thuận tự nhiên, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và du lịch TP.HCM đã xây dựng giá trị cốt lõi của Cồn Chim là điểm đến du lịch “thuận thiên”, “về Cồn chim người dân chỉ có tấm lòng”. Sau 2 năm hoạt động, đến tháng 12/2021, Cồn Chim đón khoảng 15.000 lượt khách.
Ngoài ra, mô hình “du lịch tự thân” ở Cồn Hô dựa vào canh tác nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản đã được Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM tận dụng, khai thác chính những thiếu thốn, khó khăn để xây dựng một điểm đến du lịch cộng đồng, sinh thái với điểm nhấn đặc biệt “tour ban đêm” đèn dầu soi lối nhỏ mang đến cho du khách ký ức tuổi thơ thiếu thốn nhưng đầy ắp tình người…
“Với mô hình du lịch thuận tự nhiên Cồn Chim (huyện Châu Thành) , du lịch tự thân Cồn Hô (huyện Càng Long) du lịch hợp điểm ở Cồn Trứng và Du lịch làng Văn hóa Khmer Trà Vinh cho thấy những khởi sắc gần đây của du lịch Trà Vinh”, GS.TS Hiền nói.
Du lịch đưa đến nhiều cảm xúc
Bà Nguyễn Ngọc Trang, Giám đốc khối nội địa Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình Việt Nam chia sẻ, sau chuyến khảo sát dài ngày, cho thấy tỉnh Trà Vinh đã tạo dấu ấn riêng khác biệt so với các tỉnh ĐBSCL, doanh nghiệp có thể triển khai và phù hợp xu hướng du lịch hiện nay là theo nhóm nhỏ, gia đình kết hợp trải nghiệm giáo dục.
Tuy nhiên, bà Trang cũng chia sẻ, đến Trà Vinh đa số du khách đều hỏi ở đó có gì hay và khi chưa có những sản phẩm du lịch “thuận thiên” hầu hết Trà Vinh chỉ là một điểm trong cung đường du lịch đến ĐBSCL. Do đó, tỉnh cần có chiến lược quảng bá sản phẩm du lịch độc đáo này để du khách biết đến nhiều hơn, có cái nhìn khác hơn để thôi thúc họ đến để trải nghiệm.
Tương tự, bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Star (Saigon star travel), cho biết, qua khảo sát các sản phẩm du lịch cộng đồng, “thuận tự nhiên” có rất nhiều cảm xúc, nhất là sản phẩm “du lịch tự thân” ở Cồn Hô, Trà Vinh đang làm rất hay. “Sau khảo sát chúng tôi sẽ xây dựng tour, đầu tiên là phục vụ thị trường khách nước ngoài đầu và khách trung niên thị trường nội địa" - bà Thủy nói.
Bà Thủy cho rằng doanh nghiệp có thể khai thác du lịch “thuận thiên” đáp ứng nhu cầu du khách nhưng dịch vụ, cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được. Nếu tỉnh truyền thông tốt, các doanh nghiệp du lịch đưa khách về nhiều thì cung không đủ cầu. Đồng thời, nói là du lịch “thuận thiên” nhưng cần có tính chuyên nghiệp, đầu tư dịch vụ phục vụ cho du khách.
“Dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng tình cảm của người dân “chạm” vào được trái tim du khách qua cách chuẩn bị món ăn, tươm chất, cách phục vụ chu đáo. Bà con gửi gắm tình cảm đến du khách bằng những hành động rất thật như ra tận bờ sông chào đón và lưu luyến bằng những cái vẫy tay đầy cảm động. Tuy nhiên, tôi lo lắng sau này khi lượng khách đổ về đông, khối lượng công việc tăng lên, liệu tình cảm đong đầy, sự phục vụ chu đáo như hiện nay còn giữ được không”, bà Thủy chia sẻ.
Nhận định từ một nhóm nghiên cứu cho thấy, hiệu ứng thông điệp “thuận thiên” không còn nằm trong ranh giới của Cồn Chim mà đã dần trở thành thông điệp và triết lý phát triển của ngành du lịch tỉnh Trà Vinh. Ngày 28/10/2020, Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh đã ra mắt bộ nhận dạng thương hiệu du lịch của tỉnh với khẩu hiệu: “Trà Vinh – Miền đất thuận thiên”. Khẩu hiệu này ra đời sau 1 năm ra mắt “mô hình du lịch thuận thiên” tại Cồn Chim.
Từ ý tưởng đến việc hiện thực hóa mô hình du lịch “thuận thiên” có thể hình dung: Việc ứng phó với môi trường tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản một cách có chọn lọc đã hình thành nên sinh kế nông nghiệp thuận thiên. Trên nền tảng sinh kế nông nghiệp thuận thiên, các hoạt động du lịch được nảy sinh, kế thừa và phát huy tinh thần này. Xét ở góc độ tham gia của các bên liên quan mô hình du lịch “thuận thiên” được hình thành với sự chuẩn bị và tham gia chặt chẽ có định hướng của các cấp chính quyền địa phương, các chuyên gia, người dân, du khách và các đơn vị kinh doanh du lịch.
Từ nhận thức thích nghi của người dân với hạn mặn trong sản xuất và sinh hoạt do tác động của biến đổi khí hậu đã sáng tạo nên các giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống hàng ngày. Từ đó, nếp sống thuận thiên của người dân được hình thành tại cồn Chim. Trên nền tảng này, “mô hình du lịch thuận thiên” ra đời, giới thiệu những hình ảnh chân chất, mộc mạc nhưng không kém phần sinh động của một “làng quê Nam Bộ” với tinh thần thích nghi với biến đổi khí hậu.
Để tồn tại và phát triển, con người phải biết cách thích nghi trước sự biến đổi của tự nhiên thay vì cố gắng kháng cự lại. Mô hình du lịch thuận thiên tại Cồn Chim là một minh chứng sinh động về sự thích ứng – yếu tố quan trọng của lý thuyết sịnh thái văn hoá, đồng thời, nó cũng thể hiện sự thông minh, tính cách hòa hiếu với thiên nhiên của người dân địa phương. Triết lý “thuận thiên” trong phát triển du lịch tại Cồn Chim đã tạo ra sự khác biệt và sức hút mạnh mẽ so với các mô hình du lịch đang vận hành ở các cù lao, cồn nổi tại ĐBSCL. Có thể nói, nghiên cứu này có đóng góp mang tính khởi xướng trong việc áp dụng lý thuyết sinh thái văn hóa vào nghiên cứu du lịch trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp tại Việt Nam.
Mô hình du lịch thuận thiên Cồn Chim cũng góp phần thỏa mãn các định hướng, mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch của quốc gia theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các Nghị quyết, Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh trong tương lai.
Thanh Tùng