Thứ năm, 26/12/2024 17:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/02/2022 22:31 (GMT+7)

TP.HCM xây dựng Thủ Đức thành khu vực dẫn dắt kinh tế

Theo dõi KTMT trên

UBND TP.HCM vừa có quyết định 318, ban hành kế hoạch triển khai đề án "Hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 - 2035".

Được biết, quyết định này sẽ thay thế và hủy bỏ quyết định 2655/2020 của UBND TP.HCM trước đó về kế hoạch hành động về xây dựng Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố, đặt ra chỉ tiêu chi tiết đến năm 2035 là tỷ trọng GDP của TP.Thủ Đức đóng góp 1/3 GRDP của TP.HCM và 7% GDP cả nước.

Theo đó, TP.HCM sẽ xây dựng và phát triển khu vực phía Đông thành phố (TP.Thủ Đức) thành Đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố và Vùng thành phố trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.

Kế hoạch đưa ra nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để tổ chức triển khai đề án đạt hiệu quả nhất, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, sẽ lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, thiết lập hợp phần 3 Nhà (nhà nước - nhà đầu tư - nhà giáo dục). Đồng thời phê duyệt và công khai quy hoạch chung TP.Thủ Đức và quy hoạch phân khu các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo.

TP.HCM xây dựng Thủ Đức thành khu vực dẫn dắt kinh tế - Ảnh 1
Khu công nghệ  cao TP.Thủ  Đức  (Ảnhh: báo  Xây  dựng).

TP.HCM đặt ra nhiều chỉ tiêu đến năm 2025 như tỷ trọng GDP tăng trưởng sau 5 năm, TP.Thủ Đức sẽ thu hút khoảng 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia; Số lượng các phát minh, sáng chế tăng trưởng 100% sau 5 năm.

Đồng thời, TP.HCM sẽ hình thành quỹ đất phát triển khoảng 100 ha, thu hút hoạt động các ngành kinh tế tại các khu vực trọng điểm, như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc.

Đối với Khu đô thị Trường Thọ, TP.HCM sẽ xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai (living lab) để sống, làm việc và nghỉ ngơi với hạ tầng lý tưởng, quản lý bằng công nghệ cao.

Cụ thể, sẽ phát triển quỹ đất công nghiệp sáng tạo khoảng 50 ha; Xây dựng thêm 500.000 m2 sàn văn phòng hạng A, 1 triệu m2 sàn hạng B, C và 1 triệu m2 sàn xưởng; tăng trưởng 50% diện tích sàn trường đại học, trường dạy nghề sau 5 năm và nâng cao chất lượng.

Sẽ có 25% dân số sử dụng phương tiện công cộng; tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng sau 5 năm; Hình thành dự án và nguồn vốn cụ thể bổ sung tuyến BRT...

TP.HCM cũng đưa ra mục tiêu sẽ hoàn thành khép kín Vành đai 2 và triển khai xây dựng Quốc lộ 13, Vành đai 3. Hoàn thành dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 nối với Bình Dương, triển khai xây dựng cầu Cát Lái, cầu Nhơn Trạch.

Đảm bảo thực hiện an toàn, an sinh xã hội, giảm thiểu thiệt hại cho người lao động và các thành phần hoạt động kinh tế phi chính thức (thay đổi chỗ ở, mất hoặc thay đổi việc làm…) do tác động của các dự án phát triển đô thị và chuyển đổi công nghệ.

Trước đó, cuối năm 2021, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP.Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định xây dựng và phát triển TP.Thủ Đức là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị TP.HCM, với quan điểm chỉ đạo là phân cấp, ủy quyền tối đa, thí điểm các nội dung, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của TP.HCM.

Đồng thời, TP.HCM nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù để TP.Thủ Đức phát huy được tiềm năng, lợi thế vốn có, phát triển trở thành đô thị thông minh, sáng tạo tương tác cao phía Đông, giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới theo đúng định hướng.

Nghị quyết này cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoàn chỉnh thể chế và bộ máy để Đảng bộ và chính quyền TP.Thủ Đức có đầy đủ cơ sở pháp lý và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của TP.HCM đến năm 2030.

Song song đó là mục tiêu từng bước đưa TP.Thủ Đức tăng trưởng giá trị sản xuất chung đạt tốc độ 10 - 11%/năm (theo giá so sánh năm 2010), thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hàng năm từ 10 - 12%.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM xây dựng Thủ Đức thành khu vực dẫn dắt kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.