Thứ năm, 18/04/2024 15:59 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 08:05 (GMT+7)

TP.HCM: Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Nhằm triển khai phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ một cách hiệu quả nhất, UBND TP. HCM đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân, vừa qua, UBND TP. HCM đã yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, các dự án được xem xét tháo gỡ như dự án Khu dân cư phường Long Trường, khu nhà ở xã hội Công ty Exim, khu nhà ở phường Trường Thạnh (thành phố Thủ Đức), khu nhà ở Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), khu dân cư Hiệp Phước 1 thuộc khu đô thị cảng Hiệp Phước, chung cư nhà ở xã hội lô C1 Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7)…

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi thông tin, bình quân mỗi năm Thành phố tăng khoảng 200 nghìn người, dự báo đến năm 2025 dân số Thành phố khoảng 10,3 triệu người và đến năm 2030 là 11,3 triệu người. Dự báo nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị giai đoạn 2021-2025 là khoảng 20.540 hộ và giai đoạn 2006-2030 khoảng 25.050 hộ. Đối với công nhân, người lao động đang làm việc trực tiếp tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030, mỗi giai đoạn khoảng 20.000 công nhân cần nhu cầu nhà ở.

Do đó, TP. HCM đề ra chỉ tiêu, toàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ); giai đoạn 2026 - 2030 phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 58.000 căn nhà. Chỉ tiêu là thế, nhưng lãnh đạo Thành phố cho rằng, mặt bằng đất đã khó, thủ tục đầu tư, triển khai dự án còn khó hơn. Đây chính là “điểm nghẽn” mà các bộ, ngành cần tháo gỡ ngay.

TP.HCM: Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho nhà ở xã hội - Ảnh 1
Nhu cầu nhà ở xã hội tại TP. HCM luôn là điểm nghẽn làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội

Nhằm sớm tháo gỡ “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến độ phát triển nhà ở xã hội, mới đây, Sở Xây dựng TP. HCM đã đề xuất kiến nghị Chính phủ phân cấp cho UBND TP. HCM xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư. Cùng với đó, điều chỉnh nhà ở phục vụ tái định cư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư sang làm nhà ở xã hội hoặc sang làm nhà ở thương mại… Điều này giúp TP. HCM chủ động quyết định tính khả thi khi xây dựng nhà ở tại các dự án khu đô thị và phát triển nhà ở, phù hợp với nhu cầu từng khu vực, thời điểm.

Đồng thời, Sở Xây dựng TP. HCM cũng đề xuất kiến nghị Trung ương cho phép TP. HCM được thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc Thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Ưu tiên sử dụng các quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước hiện do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp cũng như quỹ đất do các cơ quan Nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng kiến nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở cần bổ sung quy định về quy trình xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước. Đồng thời, kiến nghị nghiên cứu quy trình theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Cùng với đó, TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha theo 1 trong 3 hình thức gồm dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội ;chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội; nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức dành quỹ đất 20% trong dự án theo quy định.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới