TP.HCM sẽ lắp điện mặt trời tại các trụ sở công
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa đồng ý chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP, theo đề xuất của Sở Công Thương.
Theo đó, việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và TP. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như bảo vệ môi trường, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho TP.
Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Công Thương phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Tổng Công ty Điện lực TP và các sở, ban, ngành, UBND các quận - huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, có báo cáo phân tích đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua.
Trong đó lưu ý về phương thức, quy trình thực hiện, chi phí đầu tư bình quân, hiệu suất công trình, hiệu quả thực tế, tuổi thọ, thời gian hoàn vốn, công tác duy tu, bảo dưỡng của từng công trình, dự án đã triển khai từ nguồn ngân sách nhà nước thời gian qua; những tồn tại, hạn chế.
Đặc biệt, cần phân tích đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế để có cái nhìn tổng thể khách quan hơn về vấn đề này. Đồng thời, cần tổ chức khảo sát hiện trạng mặt bằng, không gian, điều kiện thực tế tại từng đơn vị; trên cơ sở đó đề xuất chủ trương, phương thức, lộ trình, nguồn vốn thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, các trụ sở UBND, trường học, bệnh viện... trên địa bàn TP.HCM đều có thể lắp điện mặt trời trên mái nhà.
Theo tính toán sơ bộ của EVNHCMC, TP.HCM cần bỏ ra khoảng 3.000 tỉ đồng để lắp điện mặt trời trên các trụ sở công, ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 400 tỉ đồng mỗi năm. Hiện tại, trụ sở UBND các quận 4, 10, 12 và Phú Nhuận cũng như trụ sở các công ty điện lực đã lắp điện mặt trời, đạt hiệu quả tốt.
Theo ông Kiên, các trụ sở đang xây dựng nên kết hợp lắp luôn điện mặt trời trên mái nhà, những trụ sở còn lại cần đăng ký kế hoạch sử dụng vốn để tính toán lắp điện mặt trời vào các năm sau.
"Lắp điện mặt trời trên mái nhà công lập cũng tương tự nhà dân, thay vì ngân sách chi trả tiền điện, các cơ quan này sẽ tiết kiệm một phần tiền điện, lúc trụ sở không hoạt động sẽ phát ngược lên lưới, ngành điện trả tiền điện dư thừa này lại. Ngân sách bỏ ra một lần nhưng thu về trong 20 năm, thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 7 năm" - ông Kiên giải thích.
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố, TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Hiện, toàn thành phố có 11.031 hệ thống điện mặt trời với với tổng công suất là 177,02 MWp. Các dự án được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, giá 1.943 VND/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương 8,38 UScents/kWh.
Hà Linh