Thứ sáu, 26/04/2024 00:28 (GMT+7)
Thứ năm, 07/04/2022 05:20 (GMT+7)

TP.HCM phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến

Theo dõi KTMT trên

Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97 % và -11,64 % đến nay kinh tế TP.HCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ”.

Ngành công nghiệp khẳng định vai trò trụ cột

Trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2/2022 của UBND TP.HCM, đại diện Cục Thống kê thành phố cho biết, theo tính toán tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý 1/2022 ước tính tăng 1,88 % so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,46 % của quý 1/2021 nhưng cao hơn 0,79 điểm phần trăm so với mức tăng của quý 1/2020 (quý 1/2020 tăng 1,09%).

Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97 % và -11,64 % đến nay, kinh tế TP.HCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương, sau thời gian “bạo bệnh chưa có tiền lệ” đã có bước hồi phục và đứng lên khởi sắc cho thấy dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế Thành phố khá tốt.

TP.HCM phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến - Ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2/2022 của UBND TP.HCM.

Tổng tăng trưởng chung của nền kinh tế (tính theo giá trị gia tăng - VA) quý 1/2022 tăng 1,84 % so với cùng kỳ, đóng góp 97,8 % vào tốc độ tăng GRDP của thành phố, trong đó đóng góp chi tiết của các ngành kinh tế như sau:

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,15 % so với cùng kỳ và không đóng góp vào tốc độ tăng GRDP; Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 0,09 % so với cùng kỳ, đóng góp 1 % vào tốc độ tăng GRDP. Đây là mức đóng góp rất thấp so với vị trí, vai trò quan trọng của khu vực công nghiệp, xây dựng đối với kinh tế thành phố. Trong đó, ngành công nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế khi tăng 3,08 %, đóng góp 30,8 %; N gược lại, ngành xây dựng giảm 14,73%, không đóng góp vào mức tăng GRDP mà còn kéo giảm 29,8 % vào tốc độ tăng GRDP.

Khu vực dịch vụ tăng 2,87 % so với cùng kỳ, đóng góp 96,8 % vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố tăng 4,2 %, đóng góp 2,42 điểm phần trăm; 6 ngành dịch vụ còn lại giảm 10,6 %, kéo giảm 0,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý  1/2022 tăng 0,33 % so với cùng kỳ, đóng góp 2,2 % vào tốc độ tăng GRDP của thành phố. Mặc dù, tổng thu ngân sách quý I/2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ nhưng phần thu ngân sách liên quan đến thuế sản phẩm tăng khá thấp mà thu ngân sách tăng chủ yếu liên quan đến hoạt động bất động sản và thu từ dầu thô.

TP.HCM phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến - Ảnh 2
Kinh tế TP.HCM đang đạt được những tín hiệu tích cực ngoài dự kiến.

Về cơ cấu nền kinh tế GRDP quý 1/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 0,5%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,6%, trong đó công nghiệp chiếm 18,2 %, xây dựng chiếm 3,4 %; Khu vực dịch vụ chiếm 64,6 %, riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,5 %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,3 %.

Kết quả của sự đoàn kết, quyết tâm

Tại phiên họp, Bí thư Thành uỷ TP.HCM – Nguyễn Văn Nên đánh giá, kết quả phục hồi kinh tế - xã hội quý 1/2022 là cực kỳ quan trọng, khi thành phố vừa trải qua năm 2021 với thử thách quá lớn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận xét, mức tăng trưởng này đã chứng minh cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM. Đây là sự khởi đầu thuận lợi, rất phấn khởi, nhưng cũng không vì thế mà quá lạc quan, bởi hiện nay còn phải đối mặt nhiều thử thách mới, có cả khách quan lẫn chủ quan mà TP.HCM tiếp tục phải vượt qua.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Nên lưu ý, tiếp tục bám sát chiến lược y tế, triển khai linh hoạt, thích ứng theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong quý 1/2022 đến từ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các chương trình kế hoạch từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, đó là kết quả của sự chủ động, sức bật, tinh thần tiến thủ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đây là lực lượng đóng góp, tạo ra sự phát triển cho TP.HCM, cần có giải pháp động viên, phát huy lực lượng này.

TP.HCM phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến - Ảnh 3
Đường vành đai 3, điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Người đứng đầu UBND TP.HCM khẳng định vẫn xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A để có giải pháp phù hợp.

Cụ thể, trong quý II/2022, TP.HCM tiếp tục giám sát dịch và thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, người già, trẻ em; Chú trọng công tác an sinh xã hội, chăm lo người yếu thế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; Cập nhật các bộ tiêu chí an toàn để từng bước mở cửa trở lại; Hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế, hỗ trợ kinh phí bệnh viện công lập do dịch giảm nguồn thu; Tiêm chủng cho trẻ em, hoàn thiện dữ liệu y tế, triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số hướng tới y tế thông minh; Nghiên cứu trung tâm công nghệ y sinh để đề xuất triển khai thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP.HCM - Phan Văn Mãi chỉ đạo trong quý 2/2022 tập trung trình Quốc hội thông qua dự án đường Vành đai 3, khởi động hồ sơ đường Vành đai 4 và đề xuất khép kín đường Vành đai 2, hoàn thành hồ sơ đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để cuối năm 2022 vận hành thử nghiệm và vận hành chính thức từ năm 2023 cũng như chuẩn bị khởi công một số tuyến metro mới.

Khánh Ngọc

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM phục hồi kinh tế nhanh hơn dự kiến. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.