Thứ tư, 04/12/2024 13:35 (GMT+7)
    Thứ năm, 21/07/2022 11:50 (GMT+7)

    TP.HCM: Nguồn cung căn hộ cuối năm dồn về Thủ Đức

    Theo dõi KTMT trên

    Theo giới chuyên gia đánh giá, TP.Thủ Đức được cho là có tiềm năng phát triển to lớn khi sở hữu hạ tầng đa dạng, hiện đại bậc nhất TP.HCM và trên cả nước. Trong đó, ngoài Thủ Thiêm thì hiện nay khu vực Cát Lái đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư.

    Lập Đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040

    UBND TP.HCM mới đây đã ban hành quyết định về duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán lập Đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch 1/10.000 là toàn bộ TP.Thủ Đức, quy mô lập quy hoạch khoảng 21.156 ha.

    Ở thời điểm này, TP.Thủ Đức hiện đang có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước - trên 83%. Điều đó là nhờ vào vị thế địa chính trị mà nơi đây nắm giữ. Cụ thể, TP.Thủ Đức là cửa ngõ kinh tế Đông Nam Bộ; trung tâm của trục tam giác kinh tế Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - TP.HCM, lại liền kề với Bình Dương - thủ phủ logistics. Vị trí này không chỉ thể hiện vai trò quan trọng về mặt liên kết vùng của TP.Thủ Đức mà còn mang tính chiến lược về mặt phát triển kinh tế quốc gia.

    TP.HCM: Nguồn cung căn hộ cuối năm dồn về Thủ Đức - Ảnh 1
    Nguồn cung căn hộ mở bán 6 tháng cuối năm tại TP.HCM dự kiến sẽ gia tăng, nhất là khu vực TP. Thủ Đức. (Ảnh: batdongsan)

    Theo đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040 có mục tiêu nhằm đề xuất định hướng phát triển phù hợp với cấu trúc, định hướng phát triển không gian và vùng TP.HCM; đáp ứng mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.

    Nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số. Trong đó, vấn đề tập trung quan trọng nhất là dành diện tích đất khá lớn để phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng.

    Đầu tiên phải kể đến các tuyến đường huyết mạch giữ vai trò chính trong lưu thông nội đô đang được thành phố quy hoạch mở rộng và nâng cấp hiện đại. Tiêu biểu như tuyến đường vành đai 2 đã tái khởi động đoạn 2,7 km. Đây là trục huyết mạch giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Khi được khép kín, vành đai 2 còn giúp kết nối cảng biển và các tuyến giao thông quan trọng khác như xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, 13...

    Tuyến đường Vành đai 3 - chiến lược cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

    Tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch rộng từ 6-8 làn xe, dài khoảng 89,3 km kết nối TP.HCM, TP.Thủ Đức và các tỉnh lân cận là Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Ngoài ra, cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM qua Đồng Nai, thuộc đường Vành đai 3 cách vị trí dự kiến xây cầu Cát Lái khoảng 5 km cũng vừa được ký hợp đồng xây dựng với kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công giữa năm 2023. Đây được xem là trục giao thông chiến lược, tạo hành lang đô thị, công nghiệp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

    Hàng loạt hệ thống giao thông như tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, đường kết nối cảng Cát Lái với đường vành đai 2 vẫn tiếp tục được nâng cấp, mở rộng từ nay cho đến năm 2025. Trong năm 2023, TP.HCM đã đặt quyết tâm sẽ khởi công dự án hầm chui - cầu vượt 3 tầng tại giao lộ Mai Chí Thọ và Nguyễn Duy Trinh; khởi công cầu Cát Lái nối khu đô thị Cát Lái với huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai; và xây dựng 4 tuyến đường 6 làn xe ra vào khu cảng Cát Lái.

    Đặc biệt, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua phía Đông TP.Thủ Đức dự kiến mở 10-12 làn xe, giữ vai trò then chốt trong hệ thống hạ tầng kết nối giao thông. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối TP.Thủ Đức với TP.HCM và các vùng kinh tế, du lịch trọng điểm Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết,… Ngoài ra, các kết nối cảng biển, đường sông từ TP.Thủ Đức tới các quận của TP.HCM nhờ tuyến đường thủy nối Sông Đồng Nai và Sông Sài Gòn kết nối giữa khu vực Quận 9 (cũ) với vùng kinh tế Đông Nam Bộ cũng đang phát triển sôi động, sầm uất.

    Với vị trí chiến lược và đón nhận lực đẩy hạ tầng, TP.Thủ Đức đang trở thành điểm đến, thúc đẩy xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư những dự án nhà đất tại một số khu vực không quá xa trung tâm TP.HCM và nằm ngày các điểm kết nối giao thông thuận lợi.

    Từ mức trung bình vào khoảng 38-40 triệu đồng/m2, giá căn hộ tại TP.Thủ Đức hiện vào khoảng 85-90 triệu đồng/m2, căn hộ cao cấp nằm tại Cát Lái và giáp ranh Thủ Thiêm (Quận 2 trước đây) có mức giá 60-70 triệu đồng/m2. Đặc biệt, một vài chung cư mới mở bán tại khu vực dọc tuyến đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định hay khu đảo Kim Cương có mức giá xấp xỉ hơn 125 triệu đồng/m2. Đây là mức giá chưa từng thấy ở khu vực này.

    Một dự án mới ra mắt thị trường khu vực này là Salto Residence của Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC). Nằm ngay khu đô thị PhoDong Village, Salto Residence bao gồm 3 block cao 21 tầng với 483 căn hộ và 8 shophouse, được phát triển theo mô hình phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp. Hiện dự án được DKRA Vietnam làm Tổng đại lý tiếp thị và phân phối với mức giá chỉ từ 59 triệu đồng/m2, thanh 25% cho đến khi nhận thông báo bàn giao căn hộ. Đây là mức giá khá "dễ chịu" so với mặt bằng chung giá căn hộ tại Thủ Đức.

    Theo một báo cáo gần đây của Batdongsan.com.vn, trong quý I/2022, nguồn cung chào bán thấp đang khiến giá bán căn hộ tại TP.HCM tiếp tục tăng ở hầu hết các phân khúc, từ bình dân, trung cấp, cao cấp, siêu sang với mức giá tăng từ 3-5%. Đặc biệt, phần lớn nhu cầu tìm mua căn hộ tại TP.HCM đều đang tập trung về khu Đông TP.Thủ Đức, tầm giá được tìm kiếm nhiều nhất vẫn ở ngưỡng trên dưới 65-80 triệu/m2. TP.Thủ Đức hiện cũng là khu vực tập trung nhiều dự án chuẩn bị chào bán nhất trong các quý cuối năm 2022.

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) cũng cho hay, theo quy hoạch, TP.HCM dự kiến sẽ thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc tại khu đô thị Cát Lái và Thủ Thiêm, trong đó có khoảng 20.000 kỹ sư và chuyên gia. Do vậy, nhu cầu nhà ở trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ khá cao, tạo áp lực lớn lên khả năng phát triển để đáp ứng nhu cầu này.

    Cùng với sự tăng trưởng tích cực của nguồn cung trong nửa đầu năm 2022, thị trường dự kiến chào đón khoảng 22.000 căn hộ trong năm nay. Phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ dẫn dắt nguồn cung mới với hàng loạt đợt mở bán tại TP.Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Do ảnh hưởng của việc tăng giá ở khu vực ngoài trung tâm, giá sơ cấp trung bình tại TP.HCM dự kiến tăng trưởng chậm lại do giá các nguồn cung mới đều nằm ở mức đầu của phân khúc cao cấp hoặc hạng sang. Nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân trong tương lai tiếp tục đến từ các địa phương vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và xa hơn.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Nguồn cung căn hộ cuối năm dồn về Thủ Đức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới