TP.HCM lên kế hoạch tổ chức chương trình thu hút khách du lịch năm 2022
Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức chương trình thu hút khách du lịch đến TP.HCM với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”.
Được biết, kế hoạch tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), góp phần khôi phục hoạt động ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ và thái độ thân thiện, cởi mở của người dân đối với khách du lịch, gia tăng sức hút của điểm đến nhằm góp phần phát triển bền vững và từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Thành phố.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan quản lý nhà nước đoàn thể hiệp hội các doanh nghiệp du lịch cơ sở dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, người tiêu dùng du lịch.
Cụ thể, chương trình sẽ được triển khai trong 6 tháng (từ tháng 3/2022 đến 15/9/2022), tập trung vào 4 nội dung như sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn: Đề nghị các doanh nghiệp du lịch (lữ hành, cơ sở lưu trú, khu điểm vui chơi giải trí…) rà soát để cải thiện, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị… để đảm bảo an toàn; cải tiến chất lượng dịch vụ và sản phẩm; bồi dưỡng và nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên… đảm bảo thương hiệu ngành du lịch Thành phố. Xây dựng bộ tiêu chí nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực trên địa bàn.
Thứ hai, nâng cao chất lượng các sản phẩm, sự kiện du lịch hiện có và phát triển sản phẩm đặc trưng: Tiếp tục triển khai hoạt động rà soát, hoàn thiện và nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch hiện có của Thành phố. Trong đó, tập trung cho các sản phẩm mới xây dựng như “Bình Chánh những điều chưa kể”, “Ngày bình yên trên vùng đất thép”, “Hóc Môn trên bến dưới thuyền”, “Từ Sài Gòn xưa đến TP.HCM”, “Thành phố xanh bên dòng sông Sài Gòn”, “Lắng nghe hơi thở của rừng”…
Bổ sung xây dựng các sản phẩm mới, đặc trưng như: Mô hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng; sản phẩm du lịch đường thủy kết hợp đường bộ kết nối trung tâm Thành phố với bán đảo Thanh Đa, Quận 7 và liên tuyến TP.HCM - Côn Đảo, TP.HCM - Đồng bằng sông Cửu Long; sản phẩm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất; tour tham quan Thành phố bằng trực thăng…
Bên cạnh đó, tổ chức có hiệu quả các sự kiện, lễ hội của ngành du lịch, ngành văn hóa và thể thao và các sở, ngành khác theo hướng vừa đáp ứng nhiệm vụ của ngành vừa phục vụ được nhu cầu của khách du lịch. Tập trung tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá ẩm thực đến các thị trường khách trọng điểm của Thành phố.
Riêng các sở, ngành, hiệp hội, các tổ chức đoàn thể sẽ phải tăng cường đăng cai tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế tại Thành phố nhằm giới thiệu hình ảnh đến Thành phố và thu hút khách du lịch.
Thứ ba, tổ chức các hình thức gia tăng giá trị cộng thêm cho khách du lịch: Qua việc đẩy mạnh truyền thông vận động tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch (cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm tham quan, vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm, spa…) có quà tặng thêm, dịch vụ cộng thêm hoặc giảm giá cho khách trong suốt thời gian tổ chức chương trình (từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2022) bằng các hình thức phù hợp với tình hình, đặc điểm kinh doanh của từng đơn vị cũng như thể hiện được sự niềm nở, thân thiện và bản sắc văn hóa độc đáo của Thành phố.
Thứ tư, tăng cường các giải pháp hỗ trợ khách du lịch: Đẩy mạnh hiệu quả của các Trạm Thông tin và hỗ trợ khách du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến Du lịch trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tìm kiếm thông tin dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Đồng thời, tích hợp đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch trong tổng đài 1022 của Thành phố để đáp ứng nhu cầu thông tin và yêu cầu hỗ trợ của khách du lịch một cách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường các tính năng công nghệ trên trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội của ngành du lịch, của các doanh nghiệp du lịch để tổ chức thông tin và hỗ trợ kịp thời cho khách du lịch.
Bên cạnh những mục tiêu nhằm thu hút khách du lịch, TP.HCM còn thực hiện liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Việc liên kết hợp tác phát triển này đã được đánh giá cao và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương.
Đánh giá về việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng, TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
“Việc mở lại hoạt động du lịch cần được quán triệt triển khai bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả. Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án xử lý rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn”, ông Việt cho biết.
Huỳnh Mai