TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 1.900 tỉ để triển khai 9 dự án chống ngập
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, để giải quyết vấn đề ngập nước cho 13 tuyến đường thường xuyên ngập, TP. HCM cần khoảng 1.900 tỉ đồng để triển khai 9 dự án cải tạo hệ thống thoát nước chống ngập.
Đại diện Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 – 2025 hiện đã và đnag phát huy tính hiệu quả trong công tác chống ngập. Hiện TP. HCM đã giải quyết được 5/18 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Cụ thể là tại các tuyến đường Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).
Cũng theo Sở Xây dựng TP. HCM, hiện Thành phố còn 13 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa là đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Lộ 1A (TP. Thủ Đức), Phan Anh, Hồ Học Lãm.
Ngoài 13 tuyến đường nêu trên, TP. HCM còn 7 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng của triều cường như: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức).
Để giải quyết 13 điểm ngập do mưa còn lại, Sở Xây dựng TP. HCM kiến nghị UBND TP. HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hoàn tất các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư 9 dự án với tổng vốn khoảng 1.900 tỉ đồng.
Cụ thể, cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền) tổng mức đầu tư 290 tỉ đồng. Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp với tổng vốn 350 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, 7 dự án còn lại gồm có dự án Cải tạo hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A (từ Ngã tư Bình Phước đến khu vực Đại học Quốc gia - tổng vốn 600 tỉ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư – tổng vốn 69 tỉ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Chợ Cầu – tổng vốn 120 tỉ đồng); Xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh và nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu (tổng vốn 300 tỉ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt – 75,5 tỉ đồng); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng – 79,3 tỉ đồng).
Để giải quyết 7 điểm ngập do triều cường, Sở Xây dựng TP. HCM thông tin, Thành phố sẽ tái khởi động để thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đối với dự án Giải quyết ngập do triều cường có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) gần 10.000 tỉ đồng để chống ngập triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn, giải quyết 5 tuyến trục chính ngập do triều cường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Quốc lộ 50. Cùng với đó là hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án bờ tả sông Sài Gòn giải quyết ngập do triều cường trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng.
Cũng theo Sở Xây dựng TP. HCM, tổng kinh phí để đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 101.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là hơn 31.400 tỉ đồng, còn lại các nguồn vốn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA.
Theo kế hoạch, năm 2023, dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP.HCM phải vận hành, nhưng đến nay, tất cả các hạng mục vẫn đang án binh bất động.
Cụ thể, tại cống ngăn triều Bến Nghé (nằm bên cạnh cầu Mống ở quận 1 và quận 4), nhà đầu tư đã hoàn tất lắp đặt xong 1 cửa van; hoàn thiện hạng mục và triển khai lắp đặt hệ thống bơm; hoàn thiện nhà quản lý và trạm thủy lực…
Theo nhà đầu tư, công trình này đã đạt khối lượng hoàn thành khoảng 95%, tuy nhiên, hiện đang phải “trùm mền” vì đợi thủ tục tiếp theo. Để bảo vệ công trình trong lúc chưa thể tái khởi động, đơn vị thi công cắt cử một số người túc trực, che tạm bạt lên các mố sắt chưa được phủ bê tông và phối hợp cảnh báo an toàn giao thông thủy…
Bên cạnh đó, cống Tân Thuận (trên Kênh Tẻ thuộc quận 4 và quận 7), nhà đầu tư đã lắp đặt trụ T1 - T2; hoàn tất lắp đặt cửa van, âu thuyền, nhà quản lý và hạ tầng phụ trợ. Cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đạt 97%, cống Mương Chuối (ở sông Mương Chuối, huyện Nhà Bè) đạt 92%. Cống Cây Khô (huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè, có tác dụng ngăn triều từ 2 con sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc) đạt 91%.
Cửu Long