Tôn vinh những 'bông hoa đẹp' trong công tác bảo vệ môi trường
Phụ nữ vừa là đối tượng vừa là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Bằng sự sáng tạo, yêu thiên nhiên và trách nhiệm với xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy vai trò của mình với môi trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"; "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các Bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên để lại".
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam ngày nay đang tiếp tục có vai trò và đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta không chỉ bình yên mà còn xanh – sạch – đẹp.
Phụ nữ đóng vai trò gì trong việc bảo vệ môi trường?
Chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội. Những năm gần đây phụ nữ còn đóng vai trò tích cực trong bảo vệ môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận định ở Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường” diễn ra từ mấy năm trước: Ở Việt Nam, môi trường đã và đang bị ô nhiễm. Các nguồn nước bị suy giảm nhanh, thậm chí có nơi bị cạn kiệt, đất đai bị xói mòn, thoái hóa, không khí ở các đô thị và nông thôn bị ô nhiễm trầm trọng. Rừng bị tàn phá, chất thải, rác thải không được xử lý đúng quy trình, đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng ta thường tự hào là đất nước có “rừng vàng, biển bạc”, nhưng hiện trạng nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ngày càng bị thu hẹp cả về số lượng lẫn chất lượng.
Từ năm 2010, Hội LHPN Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" trong đó tiêu chí 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ là những tiêu chí trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh với nhiều mô hình hiệu quả. Đoạn đường phụ nữ tự quản, tổ phụ nữ thu gom rác thải; Nói không với túi ni lông, phân loại và xử lý rác thải tại nhà, không sản xuất tiêu dùng thực phẩm không an toàn, giám sát việc sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; Các hoạt động tương trợ, giúp đỡ phụ nữ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Cách phụ nữ làm để cùng nhau bảo vệ môi trường
Tại tỉnh Quảng Ninh, phong trào “Ngày chủ nhật xanh” đi vào nền nếp. Phong trào đến nay đã được triển khai có bài bản, cụ thể, với 177/177 cơ sở và 1.609/1.609 chi hội duy trì thực hiện, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư, làm thay đổi diện mạo các thôn bản, khu phố thêm xanh, sạch, đẹp. Hội Phụ nữ cấp cơ sở còn tổ chức những đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Môi trường thế giới (5/6).
Tại các địa phương có biển, hội phụ nữ cơ sở thường xuyên phối hợp tổ chức “Chiến dịch hãy làm sạch biển”; Duy trì hoạt động của 276 tổ và 2 HTX vệ sinh môi trường để thu gom rác nơi công ty môi trường không thực hiện thu gom, để đảm bảo tất cả các tuyến đường đều được thu gom rác.
Tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thực hiện Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động. Vận dụng linh hoạt với tình hình thực tiễn ở cơ sở, Hội LHPN các cấp triển khai mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới nâng cao”. Đến nay 100% chi hội đảm nhận làm vệ sinh môi trường, đường dong, ngõ xóm theo tháng, quý; giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên gia đình, trên các cánh đồng, dòng sông.
Để làm đẹp cảnh quan cũng như nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên đối với hoạt động bảo vệ môi trường, Hội LHPN huyện phát động phong trào, triển khai đề án“Tuyến đường xanh- sạch- đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản”.
Phong trào được hội viên nhiệt tình tham gia, toàn huyện có 454 km đường được chị em trồng cây, trồng hoa, trong đó 117 tuyến đường được UBND huyện Hải Hậu công nhận là Tuyến đường xanh, sạch, đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản theo các tiêu chí của đề án, nổi bật có những tuyến đường được hội viên phụ nữ và nhân dân trong xóm đồng thuận xây dựng kiểu mẫu tổng thể “đường có điện, có hoa, sông không rác thải”.
Tại Thanh Hóa, phong trào “Chống rác thải nhựa” được triển khai thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: “Hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ”; “Đổi nhựa lấy quà” (Thạch Thành, Nga Sơn), “Phụ nữ thu gom rác thải nhựa hỗ trợ phụ nữ nghèo và trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” (TX. Nghi Sơn), “Biến rác thành thẻ Bảo hiểm y tế tặng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn” (Hậu Lộc); “Đổi phế liệu lấy sách” (Bỉm Sơn); “Đổi rác thải lấy nhu yếu phẩm”; “Chi hội tiết kiệm phế liệu” (TP.Thanh Hóa). Phong trào “Ngày thứ bảy/chủ nhật xanh, sạch, đẹp”… trở thành việc làm thường xuyên của nhân dân cùng với việc tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm...
Nguyễn Linh (T/h)