Thứ ba, 14/07/2020 06:30 (GMT+7)
Toàn cảnh những cây cầu vượt sông Hồng ở Thủ đô Hà Nội
Theo dõi KTMT trên
Ngoài sáu cây cầu bắc qua sông Hồng, trong vài năm tới, Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm nhiều cầu mới như: Trần Hưng Đạo, Tứ Liên... nhằm giải quyết bài toán giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
|
Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 9,17 km, trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. |
|
Cầu nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ, có điểm đầu từ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Sau khi khởi công xây dựng vào tháng 3/2009, gần sáu năm cây cầu mới hoàn thành (tháng 1/2015). |
|
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, do Pháp xây dựng năm 1898-1902. |
|
Hiện nay, cầu chủ yếu phục vụ xe máy, xe đạp, người đi bộ. |
|
Năm 1985 - 1986, cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng, trở thành nút giao thông quan trọng và hiệu quả của thủ đô. Thiết kế ban đầu ước tính đáp ứng được 7.000 phương tiện mỗi ngày nhưng sau đó lượng xe cộ tăng gấp ba đến bốn lần. |
|
Cầu ở vị trí km 170+200 quốc lộ 1A, dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, chia làm bốn làn xe chạy hai chiều, mỗi bên rộng 5 m. |
|
Cầu Chương Dương là cây cầu lớn lần đầu tiên không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của kỹ sư nước ngoài, khi thiết kế và thi công tại Việt Nam. |
|
Cầu Thanh Trì khánh thành và thông xe vào tháng 2/2007. Đây là cây cầu lớn nhất trong dự án các cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng. Cầu bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân, huyện Thanh Trì, điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng, huyện Gia Lâm. |
|
Cầu dài 3.084 m, tổng chiều dài hơn 12.000 m, rộng 33,10 m với sáu làn xe chạy (bốn làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 80 km/giờ. |
|
Cầu Vĩnh Tuy khởi công từ năm 2005, chính thức thông xe vào ngày 25/9/2009, là một trong những cây cầu rộng nhất Việt Nam thời điểm đó. Cầu bắt đầu từ điểm giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai, kết thúc tại điểm giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, mặt cầu rộng 19,25 m. |
|
Phần cầu chính vượt sông dài 955 m, phần cầu dẫn trên bãi sông phía Bắc dài gần 1,76 km, cầu vượt đê tả sông Hồng dài 220 m, cầu dẫn phía Long Biên dài 210 m. Cầu được thi công với công nghệ đúc hẫng và đạt kỷ lục về chiều dài nhịp đúc hẫng của Việt Nam. |
|
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, là đường nối sân bay quốc tế Nội Bài với nội thành Thủ đô Hà Nội. Công trình khởi công xây dựng năm 1974 và khánh thành năm 1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất của Hà Nội. |
|
Cầu giàn thép dài 3.250 m, gồm hai tầng, với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Hai làn cầu riêng biệt rộng 3,5 m (một làn) dùng cho phương tiện thô sơ. |
|
Phần giữa tầng 1 là đường dành dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng rộng 11 m, và xe máy, xe đạp. Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21 m, mặt cầu bê-tông, hai làn dành cho người đi bộ. |
|
Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng nhằm mục tiêu kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông thành phố, giảm áp lực cho cầu Long Biên và cầu Chương Dương. |
|
Cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,5 km. Điểm đầu dự án tại ngã năm nút giao đường Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông - Hàn Thuyên - Tăng Bạt Hổ (quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng); điểm cuối sau khi vượt qua đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5) sẽ kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng (quận Long Biên). |
Lê Việt