Tin tức môi trường 24h: Biển Đông có thể sẽ đón bão vào đầu tháng 7
Biển Đông có thể sẽ đón bão vào đầu tháng 7; Đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; Kiên Giang: Hơn 1.220 tỷ đồng tăng năng lực phòng, chống thiên tai... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 27/6.
Biển Đông có thể sẽ đón bão vào đầu tháng 7
Hiện nay (27/6), trên khu vực phía Nam đảo Luzon (Philippines) đang tồn tại một vùng áp thấp. Dự báo khoảng đêm nay và ngày mai (28/6), vùng áp thấp này đi vào khu vực Bắc và Giữa Biển Đông.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (27/6), trên khu vực phía Nam đảo Luzon (Philippines) đang tồn tại một vùng áp thấp. Dự báo khoảng đêm nay và ngày mai (28/6), vùng áp thấp này đi vào khu vực Bắc và Giữa Biển Đông.
Khoảng ngày 29/6-2/7, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) với xác suất khoảng 70-80%, sau có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất 40-60% trên khu vực Bắc Biển Đông. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang tiếp tục theo dõi vùng áp thấp này.
Dự báo từ chiều tối ngày 29/6 đến 2/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ cũng từ ngày 29/6 đến 3/7 cũng có khả năng xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.
Cần đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, trên các sông, suối nhỏ thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt lũ nhỏ.
Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Trong đó, có từ 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, cần đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.
Đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ
Ngày 27/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 15/CĐ-QG gửi Công ty Thủy điện Hòa Bình.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và thực tế lưu lượng nước về hồ hiện nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 15 giờ ngày 27/6, đồng thời Công ty Thủy điện Hòa Bình tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.
Lúc 7 giờ ngày 27/6, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 106,11m, lưu lượng đến hồ 3.508m3/s, tổng lưu lượng xả 5.588m3/s (gồm lưu lượng qua 2 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện).
Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành Công điện 13, 14/CĐ-QG về mở 2 cửa xả đáy hồ Thủy điện Hòa Bình.
Lâm Đồng: Xử phạt doanh nghiệp vi phạm trong khai thác khoáng sản
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định xử phạt Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Long Đà Lạt (trụ sở tại thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông) 164 triệu đồng.
Trong các sai phạm của doanh nghiệp này có hành vi không lắp camera giám sát tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ, quy định tại khoản 1, Điều 40 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.
Tại Quyết định số 1101/QĐ-XPVPHC ngày 21/6/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xác định doanh nghiệp này còn có các vi phạm khác: không quản lý tốt mốc ngoài thực địa; không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế theo quy định; không xây dựng hố lắng nước thải để lắng lọc, ổn định các chất lơ lửng, bùn trước khi thải nước chảy trả lại lòng suối tại vị trí tập kết cát…
Trước các sai phạm đã diễn ra và xem xét sự tự giác khắc phục hậu quả của doanh nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt doanh nghiệp này với hình thức cảnh cáo đối với hành vi không lắp đặt camera giám sát.
Doanh nghiệp bị phạt tiền 100 triệu đồng vì hành vi không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế; bị phạt 60 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng hồ lắng nước thải; bị phạt 4 triệu đồng về hành vi quản lý không tốt, không còn mốc ngoài thực địa. Tổng hợp các mức phạt, doanh nghiệp phải nộp 164 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Long còn bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 3 tháng; phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải hoàn thành xây dựng hồ lắng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.
Kiên Giang: Hơn 1.220 tỷ đồng tăng năng lực phòng, chống thiên tai
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực hơn 1.220 tỷ đồng thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh tỉnh hoàn thiện, nâng cao hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai và liên quan đến phòng, chống thiên tai, nhất là một số loại hình thiên tai chủ yếu thường xảy ra trong thời gian gần đây và có khả năng xảy ra trong thời gian tới như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông và bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn...
Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đối với công trình phòng, chống thiên tai, tỉnh đầu tư, nâng cấp các khu tái định cư thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng các trường học kết hợp làm nơi tránh trú bão.
Tỉnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư… góp phần ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai.
Tỉnh rà soát đầu tư, thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, hệ thống thủy lợi ngăn mặn và giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng vùng sản xuất, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt; xây dựng, nâng cấp các công trình đo đạc, giám sát, cảnh báo sớm thiên tai.
Tỉnh đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin truyền thông, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vực ven biển phục vụ thông tin, cảnh báo thiên tai. Ngành chức năng tỉnh thực hiện các giải pháp bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển, ven cửa sông...
150 nước đạt tiến bộ nhỏ về thỏa thuận đa dạng sinh thái toàn cầu
Các nỗ lực soạn thảo một thỏa thuận toàn cầu đầy tham vọng nhằm ngăn chặn sự mất đa dạng sinh thái đã đạt một tiến bộ nhỏ trong các cuộc đàm phán ở Nairobi (Kenya) ngày 26/6.
Khoảng 1.000 nhà đàm phán đến từ 150 quốc gia lẽ ra phải nhất trí một dự thảo thỏa thuận mới về bảo vệ thiên nhiên và thiên nhiên hoang dã để trình lên Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về đa dạng sinh thái (COP15) vào tháng 12 tới ở Montreal (Canada).
Tuy nhiên, trước khi kết thúc ngày họp 26/6, các bên mới chỉ nhất trí được 2 trong hơn 20 mục tiêu, gồm chia sẻ hiểu biết và công nghệ, và thúc đẩy không gian xanh đô thị.
Đồng chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Canada Basile van Havre cho biết: “Vẫn còn khối lượng lớn công việc phía trước".
Một số nhóm bảo vệ môi trường nhận định các cam kết đang ngày càng ít tham vọng hơn sau các cuộc thảo luận. Người phụ trách chính sách tại Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), ông Guido Broekhoven cho biết: “Các cam kết ngày càng mơ hồ hơn và kéo dài lộ trình đến năm 2050 thay vì 2030".
Các bên vẫn đang thảo luận việc có nên thỏa thuận về vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu hay không. Trong khi đó, các đoàn đã quyết định không đề cập đến việc cơ sở hạ tầng như đường sá, đe dọa thiên nhiên hoang dã.
Các nhà quan sát lo ngại nếu hội nghị tại Nairobi không đạt tiến bộ sẽ dẫn tới thất bại của Hội nghị thượng đỉnh ở Montreal. Ban tổ chức cho biết sẽ lên lịch cho một cuộc gặp nữa trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về đa dạng sinh thái.
Các cuộc đàm phán tại Nairobi đã được tổ chức rất nhanh chóng, sau khi các cuộc đàm phán hồi tháng 3 ở Geneva (Thụy Sĩ) không đạt tiến bộ đáng kể về dự thảo trên. Quyết định tổ chức COP15 tại Montreal đã được thông báo hồi tuần trước, sau khi Trung Quốc lùi thời điểm tổ chức 4 lần do đại dịch Covid-19.
Dù nước này vẫn giữ cương vị Chủ tịch luân phiên, một số quan sát viên hy vọng việc thay đổi địa điểm tổ chức hội nghị sẽ tăng cơ hội để các nhóm phi lợi nhuận tham gia.
Lan Anh