Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 6/7
Thông qua Nghị quyết giảm “kịch khung” thuế BVMT với xăng dầu; Thị trường lao động quý II tiếp tục đà phục hồi; IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc về mức trước đại dịch... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 6/7.
Chính thức thông qua Nghị quyết giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Từ ngày 11/7, mức thuế với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2000 đồng/1 lít xuống mức sàn 1000 đồng/1 lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/1 lít xuống mức sàn là 1000 đồng/1 lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn là 500 đồng/1 lít.
“Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp…” - Chủ tịch Quốc hội phân tích và nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao và quyết định ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ với tỷ lệ 100% thành viên có mặt tán thành.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022. Điều này có nghĩa ở phiên điều hành giá xăng dầu tiếp theo có thể thực hiện ngay được việc giảm thuế bảo vệ môi trường (giảm 1.000 đồng/lít trong cơ cấu giá xăng)..
Cùng với mức giảm "kịch khung" biểu thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để báo cáo Quốc hội xem xét có biện pháp phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới có xu hướng tăng cao, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) cũng tăng mạnh.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Trong đó, giá xăng tăng 13 lần, giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với mức giảm như trên, ngân sách Nhà nước ước tính giảm thu khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng và ước giảm thu ngân sách Nhà nước là khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu tính cả phần ước giảm thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 23.954 tỷ đồng) và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 (khoảng 1.584 tỷ đồng) thì giảm thu ngân sách Nhà nước do giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn cả năm là khoảng 32.538 tỷ đồng.
55 mã chứng khoán trên HOSE không không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ
Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý III/2022. Theo quyết định của HOSE, trên sàn này hiện có 55 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Đa phần các cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ đều là chứng khoán thuộc diện cảnh báo, kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt hoặc bị tạm ngừng giao dịch.
Trong số 55 mã không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ này, có 17 mã vào diện chứng khoán bị cảnh báo; có 19 mã rơi vào diện kiểm soát; 6 mã có lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 âm và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 là con số âm; số còn lại là do thời gian niêm yết dưới 6 tháng.
Giao dịch ký quỹ là việc nhà đầu tư mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán môi giới cấp. Nó được đảm bảo bằng khoản ứng trước bằng tiền hoặc thế chấp bằng chính cổ phiếu được mua. Vì vậy, thông thường những nhà đầu tư nào dự đoán giá tăng sẽ thực hiện giao dịch ký quỹ.
Thị trường lao động quý II tiếp tục đà phục hồi
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022 ngày 6/7, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định với việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động trong quý II tiếp tục duy trì đà phục hồi.
Báo cáo cho thấy lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam).
Cùng với việc gia tăng tỷ lệ người trong độ tuổi lao động, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2022 cũng tăng 504,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước lên mức 50,5 triệu người.
Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người (tăng 127,9 nghìn người so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước), và ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 376,6 nghìn người so với quý trước và tăng 27,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Đáng chú ý, lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước và tăng 353,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, sự gia tăng này có được là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ, lưu trú và ăn uống trong quý II khi các hoạt động kinh tế dần trở lại tốc độ như giai đoạn trước đại dịch.
IMF: Năm sau, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc về mức trước đại dịch
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6% trong năm nay và 7,2% vào năm 2023, tương đương mức tăng của năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Theo đoàn cán bộ IMF, các chỉ số như doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang khởi sắc. GDP dự báo tăng trưởng 6% trong năm nay nhờ vào quá trình bình thường hóa hoạt động kinh tế và việc triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển (PRD).
Dự báo được dựa trên giả định rằng vaccine ngừa Covid-19 vẫn hiệu quả, tình trạng gián đoạn nguồn cung thuyên giảm và nền kinh tế tiếp tục quá trình bình thường hóa. Theo đó, các biện pháp kích thích tài chính thông qua PRD và tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ bù đắp cho sự phục hồi chậm của tiêu dùng tư nhân.
Việt Nam đã triển khai tiêm chủng ấn tượng và áp dụng những chính sách nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch.
Tuy nhiên, thị trường lao động của Việt Nam vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, sau khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và số việc làm trong độ tuổi lao động giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Đến nay, tình trạng thiếu việc làm còn ở mức cao, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ.
Trong khi đó, lạm phát đã tăng lên trong thời gian qua. Nguyên nhân là giá cả hàng hóa leo thang và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Lạm phát tiêu đề năm 2022 được dự báo đạt 3,9%, trong khi lạm phát cốt lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) là 2,3%. Sang năm 2023, 2 chỉ số này lần lượt là 3,5% và 2,6%.
"Lạm phát sẽ không tăng mạnh do nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, giá thực phẩm tương đối ổn định và các biện pháp bình ổn giá", IMF nhận định.
Thị trường chứng khoán châu Á 'đỏ lửa' trong phiên ngày 6/7
Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 6/7, giữa bối cảnh đồng USD leo lên mức cao nhất trong hai thập kỷ so với đồng euro, do giới đầu tư ngày càng quan ngại sâu sắc về nguy cơ châu Âu sẽ dẫn đầu xu hướng suy thoái trên toàn cầu.
Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 1%, dẫn đầu là mức giảm 2% của thị trường chứng khoán Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc), với nhóm cổ phiếu của các nhà sản xuất chip máy tính, vốn nhạy cảm với tăng trưởng kinh tế, giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng.
Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất mạnh nhằm "hạ nhiệt" lạm phát hiện ở mức cao nhiều thập kỷ sẽ dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng đang làm gia tăng các khó khăn ở châu Âu.
Mặc dù thị trường được hỗ trợ phần nào từ các dự đoán rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét loại bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng các sàn chứng khoán vẫn rơi vào vùng tiêu cực.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 315,82 điểm (1,2%), xuống 26.107,65 điểm, do lo ngại gia tăng đối với nền kinh tế Mỹ, trong khi tâm lý của giới đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gia tăng gần đây số ca nhiễm COVID-19 trên khắp Nhật Bản.
Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 20 tháng, do lo ngại gia tăng về suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, đồng won nội tệ chạm mức thấp nhất 13 năm so với đồng USD. Đóng cửa phiên này, chỉ số Kospi hạ 49,77 điểm (2,13%), xuống 2.292,01 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ 10/10/2020, chỉ số này để tuột mốc 2.300 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, “sắc đỏ” cũng thống lĩnh hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc), khi lo ngại về suy thoái diễn ra tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới kết hợp với số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc.
Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong mất 266,41 điểm (1,22%), xuống 21.586,66 điểm. Trong khi tại thị trường Thượng Hải, chỉ số Shanghai composite lùi 48,68 điểm (1,43%), xuống 3.355,35 điểm.
Cùng trong phiên 6/7, tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 2,68% xuống 1.149,61 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 2,17% xuống 271,92 điểm.
Lan Anh