Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/7
Thị trường du lịch nội địa bùng nổ trong 6 tháng đầu năm; Facebook, Microsoft, Tiktok, Netflix… đã trực tiếp nộp thuế online vào ngân sách Việt Nam... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/7/2022.
Thị trường du lịch nội địa bùng nổ trong 6 tháng đầu năm
Trang thông tin Google Destination Insights hiển thị lượng tìm kiếm trong nước về du lịch nội địa trong tháng 5/2022 tăng 487% so với cùng kỳ, và tiếp tục tăng lên 669% trong tháng 6/2022. Đây là tín hiệu rất tích cực, báo hiệu một mùa du lịch hè bùng nổ khi hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong tháng 5 và tháng 6/2022 lượng khách nội địa lần lượt đạt 12 triệu và 12,2 triệu lượt. Đây là lượng khách nội địa trong một tháng cao nhất tại Việt Nam những năm gần đây.
Do đó, lượng khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt (gấp gần 1,4 lần cùng kỳ năm 2019), trong đó có khoảng 8,3 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng.
Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất gồm có TP HCM, Kiên Giang, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,…Một số điểm đến du lịch có mức tăng trưởng hơn 75% gồm Hạ Long, Sầm Sơn, Đồng Hới, Cửa Lò, Hải Phòng, Ninh Bình,…
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều điểm đến trên cả nước có sự phục hồi mạnh mẽ cả về lượng khách và doanh thu từ du lịch. Trong đó, du lịch Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ với tổng khách du lịch đến Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đạt 8,61 triệu lượt người, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách nội địa đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, cũng tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ngành du lịch Quảng Ninh cũng đang phục hồi rõ rệt. 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh ước tính đón được 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần cùng kỳ, tăng 19,57% so với chỉ tiêu. Đặc biệt, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31, quảng bá hình ảnh một Quảng Ninh an toàn, ngày càng giàu đẹp-văn minh-hiện đại tới bạn bè quốc tế.
Các hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng dần được khôi phục. Sau khi có chủ trương mở cửa lại các hoạt động dịch vụ du lịch ngay từ giữa tháng 3/2022, du lịch Đà Nẵng đã có khởi sắc, phục hồi tích cực kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70 - 75%.
TP HCM đứng đầu danh sách điểm đến thu hút khách du lịch nội địa của nửa đầu năm nay. Sở Du lịch TP HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP HCM đón 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43,1% so cùng kỳ năm trước, đạt 61,6% kế hoạch năm 2022.
Facebook, Microsoft, Tiktok, Netflix… đã trực tiếp nộp thuế online vào ngân sách Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, số thu thuế từ hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.432 tỷ đồng (đến ngày 29/06/2022), tốc độ tăng thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Đáng chú ý có một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.071 tỷ đồng; Google là 2.034 tỷ đồng; Microsoft là 692 tỷ đồng.
Đặc biệt, kể từ khi vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (21/3), đã có nhiều nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng trực tiếp qua Cổng. Đến nay, đã có 23 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam, tổng số thuế khoảng 2,4 triệu USD.
Điển hình như: Facebook (Meta), Microsoft, Tiktok, Netflix. Số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên Cổng tại kỳ kê khai quý I/2022 như sau: Microsoft đã nộp 0,5 triệu USD, Tiktok đã nộp 34,5 tỷ VND, Netflix đã nộp 7,8 tỷ VND và Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào quý II/2022.
Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, lũy kế từ 2018 đến hết tháng 5/2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỷ đồng, (5 tháng đầu năm 2022 thu đạt 220 tỷ đồng).
Trong đó có một số Cục Thuế có số thu lớn như: Cục Thuế Hà Nội với số thu khoảng 358 tỷ đồng, Cục Thuế TP.HCM khoảng 146 tỷ đồng, Cục Thuế Đà Nẵng khoảng 67 tỷ đồng.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Lan Anh, để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính phê duyệt đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử”.
Theo đó, ngành Thuế đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các Luật Thuế (GTGT, TNDN, TNCN) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế. Trong đó, đã yêu cầu các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin; khai thuế, nộp thuế thay cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ thuế…
Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công An, Ngân hàng Nhà nước, xây dựng chương trình làm việc và ký thỏa thuận hợp tác để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đồng thời xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Quỹ AVV Alpha tính rót vốn vào 25 start-up Việt ở giai đoạn hạt giống
Ascend Vietnam Ventures (AVV) vừa cho biết đã vượt mục tiêu gây quỹ 50 triệu USD cho quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn hạt giống AVV Alpha và đang tìm kiếm đầu tư vào thế hệ các startup Việt tiếp theo với tham vọng vươn ra thị trường toàn cầu.
Dưới sự dẫn dắt của hai nhà đầu tư là Bình Trần và Eddie Thái, với quỹ AVV Alpha, các nhà đầu tư sẽ tăng cam kết đầu tư vào các start-up Việt. Tới cuối năm 2023, quỹ dự tính đầu tư vào 25 start-up ở giai đoạn hạt giống với mức đầu tư lên tới 2 triệu USD. Quỹ có thể đầu tư thêm số vốn lên tới 5 triệu USD ở các vòng gọi vốn tiếp theo của một số công ty trong danh mục.
Trước đó, Bình Trần và Eddie Thái đã rót vốn cho một số start-up “nội" đạt được thành công trên trường quốc tế như Axie Infinity (kỳ lân game NFT, được quỹ a16z và Accel rót vốn); ELSA (start-up edtech sử dụng công nghệ AI, được quỹ AI của Google rót vốn); và Trusting Social (startup fintech cung cấp giải pháp tài chính toàn diện được Sequoia rót vốn)...
Trong 9 tháng qua, AVV Alpha đã rót vốn vào 10 start-up như: Kilo (phần mềm SaaS và sàn giao dịch Marketplace cho hơn 30.000 nhà bán lẻ SME Việt Nam); Virtual Internship (nền tảng quản lý, sắp xếp các chương trình thực tập từ xa cho sinh viên hiện đang hoạt động tại 70 quốc gia trên thế giới); T&C Logistics (nền tảng quản lý quy trình hoàn tất đơn hàng và vận chuyển cho các giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam); Mandu (nền tảng hỗ trợ nhà bán lẻ kinh doanh trên mạng xã hội).
Theo AVV, Việt Nam thu hút nhiều nhà sáng lập với một thị trường sôi động, dễ tiếp cận, chi phí sinh hoạt thấp và nguồn nhân lực công nghệ chất lượng dồi dào. Những thách thức mà thị trường này gặp phải cũng như hành vi khách hàng ở đây có nhiều điểm tương đồng với các nước đang phát triển khác.
Điều này đồng nghĩa, các giải pháp công nghệ ở Việt Nam có tiềm năng tiếp cận các thị trường khác trên thế giới. Các nhà sáng lập startup sẽ tiếp tục coi Việt Nam là cái nôi lý tưởng để xây dựng những công ty dẫn đầu khu vực và toàn cầu.
Ông Eddie Thái cho rằng, vốn đầu tư không phải là lý do duy nhất khiến các nhà sáng lập muốn hợp tác với AVV. Quỹ muốn sát cánh cùng các nhà sáng lập để kiến tạo nên lợi thế lâu dài cho start-up của họ trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, đồng thời mang tới những góc nhìn chiến lược có chiều sâu cùng bài học từ kinh nghiệm chinh chiến thực tiễn để giúp các start-up đi thật xa.
"Đối với start-up, điều quan trọng là tìm được nhà đầu tư có thể đưa ra những lời khuyên và hỗ trợ thực sự hữu ích sau khi họ đầu tư", đại diện Mandu nhận xét, và những hỗ trợ mà AVV mang lại cho start-up, từ cố vấn về chiến lược, văn hóa công ty cho tới những lời động viên khích lệ đúng lúc giúp đảm bảo các kế hoạch đạt tới thành công.
Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ lên gần 80%
Tỷ lệ lạm phát chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên gần 80% vào tháng 6. Đây được xem là mức lạm phát cao nhất trong 24 năm qua do các chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đẩy chi phí sinh hoạt tăng cao.
Theo cơ quan thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng từ 73,5% vào tháng 5 lên 78,6% vào tháng 6.
Theo số liệu công bố, tỷ lệ lạm phát cao của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu do chi phí vận tải tăng 123,37%, tiếp theo là thực phẩm và đồ uống tăng 93,93%, giá hàng hóa gia dụng tăng 81,1%.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, giá dầu và khí đốt tăng trong thời gian gần đây nghĩa là tỷ lệ lạm phát thực tế có thể cao gấp đôi con số chính thức.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati nói rằng giá tiêu dùng sẽ giảm vào cuối năm nay.
“Tôi cam kết với tổng thống và người dân rằng, chúng ta sẽ thấy lạm phát giảm bắt đầu từ tháng 12”, ông Nebati nói.
Tuyên bố của ông Nebati được đưa ra sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tăng lương tối thiểu lần thứ hai trong năm nay. Cụ thể, mức lương tối thiểu tăng từ 254 USD lên 328 USD.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nói rằng vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là lạm phát. “Chúng ta không có vấn đề về lạm phát. Chúng ta gặp vấn đề về chi phí sinh hoạt”, ông Erdogan nói.
Một báo cáo hàng tháng của nhóm các nhà kinh tế độc lập ENAG cho thấy, giá tiêu dùng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 175% trong tháng 6 so với một năm trước đó. ENAG cho biết, giá tiêu dùng đã tăng 71,4% kể từ đầu năm 2022.
Phòng Thương mại Istanbul cho biết, lạm phát hàng năm ở thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt 94%.
“Không ai thực sự tin vào dữ liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ”, Timothy Ash, nhà kinh tế tại tổ chức BlueBay Asset Management, cho biết.
Những tranh cãi về tính xác thực của dữ liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gây khó khăn cho chính phủ của Tổng thống Erdogan trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2023.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2012 và mối đe dọa tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào năm 2013. Đồng lira của nước này sụt giảm kể từ đó.
Để ngăn chặn đà suy giảm, vào năm 2018, Tổng thống Erdogan đã thực hiện “mô hình kinh tế mới”, nghĩa là loại bỏ lạm phát gia tăng và cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, kế hoạch này được thực hiện trái với lời khuyên của người đứng đầu ngân hàng trung ương và khiến đồng lira giảm xuống mức thấp kỷ lục, đẩy chi phí tại một số quốc gia phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hà Lan