Thứ bảy, 23/11/2024 04:26 (GMT+7)
    Thứ ba, 29/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/3

    Theo dõi KTMT trên

    Cổ phiếu “họ” FLC vẫn cắm đầu; Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I đạt 562.000 tỷ đồng... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 29/3/2022.

    Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua bảo hiểm

    Đánh giá cao việc dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng nên nghiên cứu để luật, hay văn bản hướng dẫn dưới luật cần có quy định hợp đồng mẫu với những điều khoản mang tính chất tham khảo, công khai với người dân để người dân hiểu rõ trước khi mua bảo hiểm.

    Đối với bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi rõ phí bảo hiểm hàng năm, khoản tiết kiệm hàng năm để khách hàng không bị nhầm lẫn giữa giá trị tích lũy và khoản phí mất đi hàng năm. Hiện tại vấn đề này phụ thuộc vào tư vấn trực tiếp nên xảy ra nhiều tranh cãi giữa bên mua và bên bán bảo hiểm về việc không làm rõ thông tin này. Vì vậy, ngoài những thông tin cần thiết trong hợp đồng bảo hiểm cần bổ sung khuyến cáo để bên mua bảo hiểm ý thức về rủi ro của sản phẩm, bên cạnh quyền lợi của người mua bảo hiểm.

    Đại biểu Quốc hội Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho rằng, hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng để các bên thực thi quyền và trách nhiệm của mình và là một trong những công cụ cần thiết để giải quyết tranh chấp các vấn đề bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hợp đồng nhân thọ, do đặc thù về tính chất bảo hiểm về khả năng tiếp cận thông tin, và vị thế của người được bảo hiểm trong thỏa thuận các điều khoản hợp đồng, cần bổ sung một số nguyên tắc, gồm: quy định doanh nghiệp bảo hiểm bảo đảm rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và những phạm vi bị loại trừ liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và việc sử dụng dịch vụ y tế, tránh trường hợp đại lý bảo hiểm chỉ thông tin về quyền lợi được lợi, không thông tin về những quyền lợi bị loại trừ.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/3 - Ảnh 1

    Theo Đại biểu Lê Văn Khảm, cần bảo đảm rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng, đầy đủ việc khai báo thông tin sức khỏe khi được yêu cầu, các thông tin người mua bảo hiểm tự khai không phù hợp chuyên môn y tế phải được thảo luận tìm hiểu để thống nhất giữa người mua và công ty bảo hiểm. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm bảo mật thông tin về sức khỏe khách hàng.

    Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho biết, tại khoản 2, điều 22 của dự thảo luật có quy định: “doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Đại biểu này cho rằng, cần bổ sung trong luật hoặc giải thích văn bản dưới luật, chi phí hợp này phải được bổ sung trong hợp đồng bảo hiểm, tránh trường hợp đại lý bảo hiểm cố tình liệt kê chi phí không hợp lý để ép người mua bảo hiểm phải chịu.

    Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời nhấn mạnh, dựa trên các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chỉnh sửa sẽ tiếp tục tiếp thu và hoàn chỉnh dự án để trình kỳ họp thứ ba sắp tới.

    Cổ phiếu “họ” FLC vẫn cắm đầu, tài sản ông Trịnh Văn Quyết giảm hơn 500 tỷ

    Thông tin bất lợi về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC, tiếp tục khiến các mã cổ phiếu có liên quan đến ông này như: FLC, ROS, HAI, KLF, AMD, ART đồng loạt bị bán tháo, trắng bảng bên mua phiên sáng nay 29/3.

    Cụ thể, cổ phiếu CTCP Tập đoàn FLC (FLC) tiếp tục giảm 6,99% và bị bán tháo mạnh ngay từ đầu phiên về 12.650 đồng/cổ phiếu, dư bán hơn 92 triệu cổ phiếu.

    Lúc 11h trưa nay, dư bán sàn cổ phiếu FLC còn hơn 72 triệu đơn vị.

    Cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros cũng giảm sàn ngay từ đầu phiên về 8,160 đồng/cổ phiếu (giảm 6,96%) với dư bán hơn 73 triệu cổ phiếu.

    Đến cuối giờ sáng, mã này vẫn còn gần 50 triệu đơn vị dư bán giá sàn.

    Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS cũng chủ yếu được giao dịch ở mức 9.300 đồng/cổ phiếu sau khi giảm 9,71%.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/3 - Ảnh 2
    FLC tiếp tục được giao dịch thuần giá sàn phiên sáng nay 29/3.

    Cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng rơi vào cảnh tương tự khi hầu hết chứng khoán được chuyển nhượng ở giá 6.190 đồng/cổ phiếu, giảm 6,92%.

    KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS cũng rơi 9,38% xuống 5.800 đồng/cổ phiếu.

    Mã HAI của CTCP Nông dược H.A.I cũng giảm mạnh 6,96% và hầu hết được chuyển nhượng ở giá sàn 5.880 đồng/cổ phiếu.

    Vẫn chủ yếu được giao dịch ở mức giá sàn nhưng các cổ phiếu HAI, KLF và AMD đỡ hơn khi có dấu hiệu bắt đáy.

    Nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo từ hôm qua đến nay sau khi có thông tin ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị tạm hoãn xuất cảnh.

    Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I đạt 562.000 tỷ đồng

    Báo cáo tình hinh kinh tế-xã hội từ Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

    Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 3 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 562.200 tỷ đồng và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vốn khu vực nhà nước đạt 136.500 tỷ đồng, chiếm 24% tổng vốn đầu tư và tăng 9% so với cùng kỳ; khu vực ngoài nhà nước đạt 323.100 tỷ đồng, chiếm 57%, tăng 9,%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102.600 tỷ đồng, chiếm 18% và tăng gần 8%.

    Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý 1 của các năm 2018-2022. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, tạo động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/3 - Ảnh 3

    Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) đạt 8,9 tỷ USD và giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Song, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại trong 3 tháng đầu năm đã đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước.

    Ngoài ra, cũng trong quý đầu năm, Việt Nam có 24 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký là 180 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ và có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tăng 31 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý 1 (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211 triệu USD.

    Cả nước có gần 34.600 doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1

    Theo Tổng cục Thống kê, cả nước đã đón nhận 34.600 doanh nghiệp đăng ký gia nhập thị trường có tổng số vốn đăng ký là 471.200 tỷ đồng, với gần 243.500 lao động trong quý 1, tương ứng tăng 18%, 5,2% và giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Nếu tính cả 706.700 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp, tổng số vốn dự kiến bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm là xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

    Riêng trong tháng Ba, cả nước có 14.300 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 193.600 tỷ đồng và 93.800 lao động, tăng tương ứng 96%; 127% và 29% so với tháng Hai (so với cùng kỳ năm trước, tăng tương ứng 28%; 71% và 29%

    Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận sự quay trở lại của 25.600 doanh nghiệp (tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021) đồng thời nâng tổng số doanh nghiệp tham gia hoạt động trong quý 1 lên 60.200 doanh nghiệp, tăng 37% so với cùng kỳ. Theo đó, bình quân một tháng có 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

    Tuy nhiên, trên cả nước cũng ghi nhận 35.700 doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước đồng thời 11.300 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

    Trong quý đầu năm, nền kinh tế cũng ghi nhận 4.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, con số này đã giảm 17% so với cùng kỳ; trong đó có đến 3.800 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Như vậy, bình quân một tháng có 17.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

    Đồng ruble của Nga tăng giá trở lại

    Cụ thể, chiều 29/3 (giờ Việt Nam), đồng ruble được giao dịch với giá 87,98 ruble đổi được 1 USD, tức tăng 2%. Có thời điểm, đồng ruble được quy đổi ở mức 87,40 ruble/USD - mức cao nhất kể từ ngày 28/2.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/3 - Ảnh 4

    Trong khi đó, thị trường chứng khoán Nga đang dần hoạt động trở lại sau khi phải tạm dừng do các biện pháp trừng phạt của nhiều nước nhằm vào Moskva để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Hiện các giao dịch chứng khoán vẫn còn bị hạn chế. Hiện chỉ số RTS tính bằng USD đã tăng 9,5% lên 900,7 điểm. Chỉ số MOEX Nga dựa trên đồng ruble đã tăng 3,6%, lên 2.517,5 điểm.

    Thị trường tài chính Nga đã chịu tác động nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây áp đặt với nước này sau khi Moksva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất hơn gấp đôi, lên 20% và chính phủ đã triển khai các biện pháp hỗ trợ, song đầu tháng 3, đồng ruble mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD.

    Cổ phiếu được giao dịch lần gần đây nhất tại Moskva là vào hôm 25/2, sau đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã hạn chế giao dịch. Ngày 8/3, ngân hàng này cho biết sẽ hỗ trợ thêm các công ty tài chính và người dân có tài khoản ngoại tệ sẽ không được phép rút hơn 10.000 USD trong vòng 6 tháng tới.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 29/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới