Thứ năm, 28/03/2024 23:59 (GMT+7)
    Thứ sáu, 18/03/2022 17:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/3

    Theo dõi KTMT trên

    Bị phản ứng, ngân hàng đầu tiên giảm phí tin nhắn trở lại; FPT trình chia cổ tức 2021 tỷ lệ 40%... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 18/3/2022.

    Thị trường nickel vẫn biến động mạnh

    Sau một tuần dừng, các nhà đầu tư có thể giao dịch nickel trở lại tại Sàn giao dịch kim loại London (LME). Tuy nhiên, thị trường vẫn rất biến động, một dấu hiệu cho thấy xung đột tại Ukraine tiếp tục có những tác động ngoài dự kiến đến hệ thống tài chính toàn cầu.

    Giao dịch nhiều hàng hóa như các kim loại khác, các nông sản như lúa mỳ, và năng lượng biến động kể từ khi đại dịch bùng phát làm gián đoạn các chuỗi cung ứng.

    Tuy nhiên, chiến dịch của Nga liên quan tới Ukraine, một nước xuất khẩu lớn về lúa mỳ và ngô và các lệnh trừng phạt sau đó nhằm vào Nga, nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, nickel, nhôm và palladium, đã khiến tình hình xấu thêm. Các nhà giao dịch đang đánh giá liệu có tình trạng thiếu hụt, dẫn tới giá tăng mạnh hay không.

    Các vấn đề của thị trường nikel là đáng ngại nhất. Trong tuần trước, LME đã phải dừng giao dịch lần đầu tiên kể từ năm 1988, sau khi giá tăng gấp đôi chỉ trong vài giờ.

    Giá nickel tăng mạnh có thể là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất ô tô.

    Trong phiên 17/3, giá kim loại này giảm xuống 41.495 USD/tấn, khi các nhà giao dịch bán ra ngay sau khi thị trường mở cửa.

    Việt Nam được quyền sản xuất thuốc uống điều trị Covid-19 giá rẻ

    Tối 17/3 tại Geneva - Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP) thông báo đã ký thỏa thuận hợp tác với 35 công ty để sản xuất thuốc generic đường uống điều trị Covid-19 của hãng Dược phẩm Pfizer. Thuốc là sự kết hợp giữa hoạt chất nirmatrelvir và ritonavir ở mức liều thấp, cung cấp cho 95 quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp.

    Việc nhượng quyền là kết quả của thỏa thuận cấp phép tự nguyện được MPP và Pfizer ký vào tháng 11/2021. Đây là giải pháp giúp cung cấp thuốc cho các quốc gia chiếm khoảng 53% dân số thế giới.

    Pfizer sẽ không nhận tiền bản quyền từ việc bán nirmatrelvir cho những đơn vị được tái cấp phép của MPP trong bối cảnh Covid-19 vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, rất cần sự quan tâm của quốc tế.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/3 - Ảnh 1
    Việt Nam được quyền sản xuất thuốc uống điều trị Covid-19 giá rẻ. (Ảnh minh họa)

    Sẽ có 6 công ty tập trung vào sản xuất dược chất, 9 công ty sản xuất thành phẩm thuốc, các công ty còn lại thực hiện cả hai công đoạn. Danh sách công ty thuộc 12 quốc gia: Bangladesh, Brazil, Trung Quốc, Cộng hòa Dominica, Jordan, Ấn Độ, Israel, Mexico, Pakistan, Serbia, Hàn Quốc và Việt Nam.

    Tại Việt Nam, Stellapharm là đơn vị duy nhất được nhượng quyền tự nguyện trong sản xuất thuốc điều trị Covid-19 của Pfizer. Một công ty ở Ukraine cũng đã được cấp giấy phép, tuy nhiên công ty này hiện không thể ký kết do đang có xung đột.

    Giải pháp cấp phép lại và không độc quyền cho phép các cơ sở sản xuất thuốc generic sản xuất dược chất nirmatrelvir hoặc thuốc thành phẩm được đóng gói chung với ritonavir. Các công ty được cấp phép lại đã chứng tỏ khả năng của cơ sở đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức MPP liên quan đến năng lực sản xuất, tuân thủ quy định và tiêu chuẩn quốc tế về việc đảm bảo chất lượng thuốc.

    Sau thời kỳ đại dịch, hoạt động bán hàng cho các nước có mức thu nhập thấp sẽ tiếp tục được miễn phí bản quyền. Các nước có mức thu nhập trung bình thấp và các nước có mức thu nhập trung bình cao sẽ phải chịu 5% phí bản quyền đối với hoạt động bán hàng ở các lĩnh vực công và 10% phí bản quyền cho hoạt động bán hàng ở các lĩnh vực tư nhân.

    FPT trình chia cổ tức 2021 tỷ lệ 40%

    Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán FPT) vừa công bố tài liệu hợp ĐHĐCĐ thường niên 2022 với nội dung đáng chú ý liên quan đến kế hoạch kinh doanh 2022 và phương án phân phối lợi nhuận 2021.

    HĐQT trình phương án trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2021 tỷ lệ 20%, đã tạm ứng 10% và 10% còn lại sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt, thời gian chia dự kiến là trước khi kết thúc quý III.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/3 - Ảnh 2
    FPT trình chia cổ tức 2021 tỷ lệ 40%.

    Đồng thời, FPT sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% và được thực hiện cùng với trả cổ tức tiền mặt còn lại 2021.

    Về kế hoạch kinh doanh 2022, FPT đặt mục tiêu đạt 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với thực hiện năm 2021.

    Trong phiên giao dịch 18/3, lúc 9h26', giá cổ phiếu FPT giao dịch ở mức 95.400 đồng/cp.

    Bị phản ứng, ngân hàng đầu tiên giảm phí tin nhắn trở lại

    BIDV là ngân hàng đầu tiên hoãn thu phí 'khủng' đối với dịch vụ biến động số dư qua tin nhắn điện thoại (SMS Banking).

    Hiện chỉ mới có duy nhất ngân hàng BIDV phát đi thông báo về việc này. Cụ thể, trên website của BIDV vừa thông báo tạm thời vẫn áp dụng biểu phí SMS banking cũ (cố định 9.900 đồng/tháng) trong quý I-2022 để chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

    Trước đó, ngân hàng này đã có thông báo đã gửi tới khách hàng, từ 1-1, BIDV thực hiện áp dụng biểu phí dịch vụ SMS mới, phân tầng theo số lượng tin SMS thông báo biến động số dư tài khoản phát sinh thực tế đối với mỗi số điện thoại đăng ký dịch vụ của khách hàng.

    Theo biểu phí dịch vụ SMS phân tầng của BIDV, khách hàng nhận số lượng tin nhắn từ 0-15 tin nhắn/tháng, sẽ phải nộp phí 9.900 đồng. Nếu số lượng tin nhắn thông báo biến động số dư từ 16-50 tin nhắn/tháng sẽ có mức thu phí là 33.000 đồng, từ 51-100 tin nhắn/tháng có phí 60.500 đồng và từ 100 tin nhắn/tháng thu phí 77.000 đồng.

    Như vậy, cho tới thời điểm này chỉ có BIDV tạm thời hoãn thu phí dịch vụ SMS theo biểu phí phân tầng. Trong khi đó các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank… vẫn chưa đưa ra thông báo mới về việc có hay không giảm phí dịch vụ thông báo biến động số dư tới khách hàng.

    Đối với chính sách thu phí dịch vụ SMS phân tầng của Vietcombank, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng.

    Hiện mức phí thu dịch vụ thông báo biến động số dư tại Techcombank là 12.000 đồng nếu số lượng tin nhắn là dưới 15 tin/tháng và phí tối đa là 75.000 đồng/tháng nếu phát sinh từ 61 tin nhắn trở lên, chưa gồm thuế GTGT.

    Công bố thông tin không đúng thời hạn, bị phạt 70 triệu đồng

    Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây lắp Thương mại 2.

    Theo quyết định xử phạt, Công ty này đã có hành vi vi phạm hành chính công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên Hệ thống Công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội các tài liệu gồm: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán năm 2020, Báo cáo thường niên năm 2020.

    Với hành vi này, Công ty cổ phần Xây lắp Thương mại 2 đã bị xử phạt với số tiền 70 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 18/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
    Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.