Thứ năm, 25/04/2024 18:59 (GMT+7)
Thứ hai, 17/10/2022 17:57 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/10

Theo dõi KTMT trên

Chứng khoán 'bay màu' ngay đầu tuần, thanh khoản sụt giảm mạnh; Đề xuất sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với NSNN... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 17/10.

Chứng khoán 'bay màu' ngay đầu tuần, thanh khoản sụt giảm mạnh

Diễn biến thị trường không còn dễ đoán như thời gian đầu áp dụng T+2. VN-Index hồi phục mạnh, khác với việc chịu áp lực bán dâng cao trong phiên chiều (thời điểm cổ phiếu T+2 về tài khoản nhà đầu tư).

Thành quả của 3 phiên hồi phục mạnh tuần qua được các nhà đầu tư bắt đáy thành công hiện thực hóa phần nào trong phiên hôm nay. Cổ phiếu ngân hàng từng là nhóm đóng góp tích cực nhất kéo chỉ số chính tăng điểm trong tuần qua, nay đồng loạt điều chỉnh mạnh, chiếm áp đảo trong nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số: VCB, TCB, BID, MBB.

Phiên hôm nay có 14 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá, mã giảm mạnh nhất là HDB với 2,9%. Về sức ảnh hưởng, VCB là cổ phiếu giao dịch tiêu cực nhất khi lấy đi của VN-Index hơn 2 điểm.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/10 - Ảnh 1
Chứng khoán 'bay màu' ngay đầu tuần, thanh khoản sụt giảm mạnh.

Tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chính trong phiên hôm nay phải kể đến bộ đôi “họ” Vingroup VIC, VHM. Hai mã này kéo VN-Index đi lùi hơn 6 điểm. VIC giảm 6,2% xuống sát giá sàn 56.000 đồng/cổ phiếu. Đà tăng của VIC từ đầu tháng đến nay gần như bị xóa sạch. VIC cũng giảm còn cách không xa mức đáy thiết lập ngày 29/9 (54.600 đồng/cổ phiếu). Trong nhóm giao dịch tiêu cực nhất, cổ phiếu bất động sản còn có sự xuất hiện của NVL.

Áp lực chốt lời cũng bao trùm ở các nhóm có sức ảnh hưởng như chứng khoán, thép... Tuy nhiên, đà giảm thu hẹp đáng kể, đặc biệt ở các mã vốn hóa lớn. VN30 từ chỗ không có mã nào tăng giá, về cuối phiên đã có 8 cổ phiếu trở lại sắc xanh.

Ở chiều ngược lại, GAS đầu kéo mạnh nhất tác động tích cực tới chỉ số chính, theo sau là SHB, DGC, STB, REE. Các cổ phiếu giao dịch tích cực tập trung ở nhóm dầu khí, phân bón, hóa chất, cao su.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,27 điểm (0,97%) xuống 1.051,58 điểm. HNX-Index tăng 1,43 điểm (0,63%) xuống 226,46 điểm. UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (0,19%) xuống 80,01 điểm. Thanh khoản giảm mạnh so với cuối tuần trước, giá trị khớp lệnh HoSE xuống còn 8.651 tỷ đồng. Điểm tích cực là khối ngoại nối dài chuỗi phiên mua ròng liên tiếp với giá trị 295 tỷ đồng, tập trung vào VNM, DGC, IDC, SSI...

Đề xuất sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với NSNN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 9 về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, về phương án can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dự thảo bổ sung thêm quy định về tỷ giá áp dụng (là tỷ giá trung tâm) để vẫn đảm bảo thực hiện được giao dịch giữa NHNN và NSNN trong trường hợp phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá can thiệp giao ngay.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/10 - Ảnh 2

Cụ thể, dự thảo nêu rõ:

  1. Mua ngoại tệ từ NSNN: Căn cứ vào kế hoạch bán ngoại tệ hằng năm của NSNN và văn bản đề nghị bán ngoại tệ của Bộ Tài chính và/hoặc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao dịch thực hiện mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước từ NSNN với tỷ giá quy định.
  2. Bán ngoại tệ cho NSNN:

a) Căn cứ văn bản đề nghị mua ngoại tệ của Bộ Tài chính để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Sở Giao dịch xây dựng phương án cân đối bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước trình Thống đốc phê duyệt và thông báo với Bộ Tài chính;

b) Căn cứ vào phương án cân đối bán ngoại tệ đã được Thống đốc phê duyệt, Sở Giao dịch thực hiện việc bán ngoại tệ cho ngân sách nhà nước với tỷ giá quy định.

  1. Tỷ giá mua, bán ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước:

a) Trường hợp mua, bán đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá can thiệp tại phương án can thiệp; nếu tại thời điểm thực hiện không có phương án can thiệp hoặc tại phương án can thiệp không có tỷ giá giao ngay thì áp dụng tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ bằng tỷ giá trung tâm.

b) Trường hợp mua, bán ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ, tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ được áp dụng trên cơ sở tỷ giá tính chéo của tỷ giá xác định tại điểm a khoản này và tỷ giá bình quân của giá mua và giá bán giữa loại ngoại tệ được mua, bán và đô la Mỹ được niêm yết trên thị trường ngoại hối quốc tế thông qua hệ thống mạng thông tin Refinitiv hoặc Bloomberg trước 10 giờ sáng của ngày giao dịch.

Theo NHNN, việc sửa đổi, bổ sung nêu trên là do trong một số giai đoạn, phương án can thiệp của NHNN chỉ có tỷ giá mua/bán kỳ hạn, trong khi giao dịch mua/bán giữa NSNN và NHNN thông thường áp dụng tỷ giá giao ngay. Để giải quyết vướng mắc nêu trên, Thông tư 01 cần bổ sung thêm quy định về tỷ giá áp dụng (là tỷ giá trung tâm) để vẫn đảm bảo thực hiện được giao dịch giữa NHNN và NSNN trong trường hợp phương án can thiệp không có nội dung về tỷ giá can thiệp giao ngay.

Cần xem xét "tình hình thanh khoản đồng Việt Nam" khi thực hiện can thiệp thị trường ngoại tệ

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 15 về can thiệp thị trường trong nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường trong nước thông qua các hình thức sau:

a) Mua, bán ngoại tệ với đồng Việt Nam dưới hình thức mua, bán ngoại tệ giao ngay; mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; mua, bán quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ hoặc các hình thức mua bán khác do Thống đốc quyết định;

b) Hoán đổi ngoại tệ với đồng Việt Nam;

c) Các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nội dung phương án can thiệp thị trường trong nước bao gồm: Thời gian can thiệp, loại ngoại tệ can thiệp, tỷ giá can thiệp, số lượng ngoại tệ can thiệp, hình thức can thiệp, đối tác thực hiện can thiệp và các nội dung khác có liên quan.

Về cơ sở xây dựng phương án can thiệp thị trường trong nước, dự thảo quy định gồm:

a) Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá;

b) Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;

c) Tình hình thị trường ngoại tệ và/hoặc tình hình thanh khoản đồng Việt Nam;

d) Các yếu tố khác tùy theo từng trường hợp cụ thể (nếu có).

NHNN cho biết: Quy định hiện nay chưa đề cập đến yếu tố "tình hình thanh khoản đồng Việt Nam", trong khi đây là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc, xem xét khi thực hiện can thiệp thị trường ngoại tệ. Đồng thời, quy định về tình hình thị trường ngoại tệ và tình hình thanh khoản VNĐ sẽ bao hàm đầy đủ hơn các yếu tố cần thiết để quyết định phương án can thiệp. Vì vậy cần bổ sung yếu tố này vào Thông tư. Ngoài ra, để có sự linh hoạt trong việc xây dựng phương án can thiệp, cần bổ sung thêm "Các yếu tố khác tùy theo từng trường hợp cụ thể (nếu có)".

Tiêu chí giúp 'đường bay vàng' của Việt Nam lọt Top nhộn nhịp nhất thế giới

Trang tin OAG.com - Nhà cung cấp thông tin chuyên sâu và dữ liệu du lịch hàng đầu thế giới vừa công bố Top 10 đường bay nội địa hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới.

Đáng chú ý, "đường bay vàng" Hà Nội- thành phố Hồ Chí Minh (HAN-SGN) đứng thứ 4 trong Top 10 tuyến hàng không nội địa hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới, trong thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022 với số lượng ghế lên đến hơn 8,5 triệu ghế.

Cũng theo đánh giá của OAG.com, 9 trong 10 tuyến đường bay hoạt động nhộn nhịp nhất đều nằm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/10 - Ảnh 3
"Đường bay vàng" Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh (HAN-SGN) đứng thứ 4 trong Top 10 tuyến hàng không nội địa hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới. (Ảnh minh họa)

Đứng đầu Top 10 đường bay nội địa nhộn nhịp nhất có số lượng ghế bán ra nhiều nhất là đường bay Jeju -Seoul Gimpo (CJU-GMP) với 16.068.983 ghế; đứng thứ hai là đường bay Sapporo New Chitose Apt - Tokyo (CTS-HND) với 10.216.765 ghế; đứng thứ ba là đường bay Fukuoka -Tokyo (FUK-HND) với số lượng là 9.894.296 ghế; xếp thứ 4 là đường bay Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh (HAN-GSN) với 8.562.009 ghế.

Trong khi đó, các vị trí từ thứ 5 đến thứ 10 lần lượt là các đường bay: Jeddahi- Riyadh King Khalid (JED-RUH) với 7.371.119 ghế; Melbourne - Sydney Kingsford Smith Apt (MEL-SYD) 6.996.156 ghế; Mumbai - Delhi (BOM-DEL) 6.941.947 ghế; Tokyo -Okinawa Naha 6.910.809; Jakarta Soekamo-Hatta Apt - Denpasar –Bali (CGK-DPS) 6.741.923 và Beijing Capital -Shanghai Hongqiao (PEK-SHA) với 6.321.194 ghế.

Trước đó, năm 2019, "đường bay vàng" của Việt Nam (Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh) cũng từng lọt vào top 6 thế giới.

Liên quan đến thị trường vận tải hàng không nội địa, hồi tháng 6/2022, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) công bố Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giai đoạn hậu Covid-19, thị trường hàng không nội địa trên toàn cầu sẽ phục hồi vượt mức trước khi có dịch ngay trong năm 2022 với mức phục hồi khoảng 93%, riêng thị trường nội địa Việt Nam dự báo phục hồi ở mức 96%.

Tổ chức này đánh giá, Việt Nam hiện đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là Mexico, Brazil, Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia…

Trong danh sách này, khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam đứng vị trí số 1 còn có Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.

Theo Cục Hàng không VN, 9 tháng đầu năm, sản lượng điều hành bay đi/đến đạt 351 nghìn chuyến, tăng 117,8% so với cùng kỳ năm 2021; Điều hành bay quá cảnh đạt 127 nghìn chuyến, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Lượng khách không qua 22 cảng hàng không trong 9 tháng đạt 75 triệu khách, tăng 162,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó khách quốc tế đạt 6,7 triệu khách, tăng 1797,2% so với cùng kỳ năm 2021, khách nội địa đạt 68,3 triệu khách, tăng 141,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Các hãng hàng không nội địa vận chuyển 37 triệu khách, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế, 34 triệu khách nội địa.

Nguy cơ thiếu khí cho sản xuất điện, PVGAS bị yêu cầu phải cung cấp ổn định

Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (A0) vừa có văn bản số 3214 ngày 14/10/2022 gửi Tổng Công ty khí Việt Nam (PVGAS) đề nghị đảm bảo cung cấp khí ổn định cho phát điện.

Văn bản này cho biết, PVGAS thông báo ngày 18/10/2022, nhà thầu Hibiscus dừng cấp khí PM3 - Cà Mau để di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB dẫn đến khả năng cấp khí cho điện trong các ngày từ 17/10 - 19/10 thiếu hụt.

A0 khẳng định nếu thực hiện như thông báo của PVGAS, lượng khí cung cấp khi đó chỉ đủ vận hành 00/04 - 01/04 tổ máy Cà Mau ở mức công suất tối thiểu, giảm khoảng 1.255 - 1.500 MW so với công suất đặt nhà máy, việc này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh cung cấp điện.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/10 - Ảnh 4
PVGAS thông báo ngày 18/10/2022, nhà thầu Hibiscus dừng cấp khí PM3 - Cà Mau để di chuyển giàn khoan.

Vì vậy, để đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện quốc gia nói chung và hệ thống điện miền Nam nói riêng, A0 đề nghị PVGAS phối hợp với các bên liên quan, không thực hiện công tác di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB trong ngày làm việc, dời lịch công tác sang Chủ nhật khi nhu cầu phụ tải giảm thấp,

Trường hợp thiếu khí, A0 đề nghị PVGAS giảm sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ khác (khí cấp cho sản xuất đạm, khí thấp áp…) để ưu tiên cấp khí cho phát điện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, A0 đề nghị PVGAS có giải pháp vận hành đảm bảo cấp khí ổn định, tin cậy cho phát điện, đặc biệt trong các tháng còn lại của năm 2022.

"Trong bối cảnh các chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện vẫn tăng cao, việc duy trì ổn định các nguồn phát điện vào các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 rất cần thiết", A0 nêu.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 9 tháng cho thấy, sản lượng điện từ turbine khí đạt gần 19,7 tỷ kWh, chiếm xấp xỉ 11% tổng điện toàn hệ thống trong 8 tháng đầu năm nay.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 17/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.