Thứ năm, 26/12/2024 20:03 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/10/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/10

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính: CPI năm 2022 tăng khoảng 3,27 - 3,51%; Giá xăng nhập đang tăng mạnh... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 14/10.

Bộ Tài chính: CPI năm 2022 tăng khoảng 3,27 - 3,51%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, kinh tế phục hồi nhanh và hầu hết ở các ngành, lĩnh vực, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4% và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Bộ Tài chính dự báo thời gian tới, giá xăng dầu vẫn biến động phức tạp, khó dự đoán. Trong khi đó, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật vào giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm. Giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo.

Bên cạnh đó, nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự phục hồi trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm có thể làm tăng nhu cầu các mặt hàng vật tư xây dựng, có thể tác động đến giá cả nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời… Do vậy, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,27 - 3,51%.

Trước đó, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,2%-3,5%. Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,2%).

Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021. Tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, gồm 673 doanh nghiệp Nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2021, tổng tài sản của 826 doanh nghiệp này là gần 3,75 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là gần 1,8 triệu tỉ đồng, tăng 3%. Tổng doanh thu đạt gần 2,13 triệu tỉ đồng, tăng 8%. Lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp này đạt hơn 205 ngàn tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2020.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/10 - Ảnh 1
Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng.

Liên quan đến tình hình kinh doanh của 673 doanh nghiệp Nhà nước, nhóm doanh nghiệp có tổng tài sản đạt 3,65 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là 1,75 triệu tỉ đồng, tăng 3%. Tổng doanh thu của 673 doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,04 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt 198.672 tỉ đồng, tăng 25%. Năm 2021, các doanh nghiệp này đóng góp vào ngân sách 316.778 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2020.

Tuy nhiên có 58/673 doanh nghiệp (chiếm 9% tổng số doanh nghiệp Nhà nước) có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ là 15.785 tỉ đồng và có tới 138/673 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số doanh nghiệp Nhà nước) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 50.125 tỉ đồng.

Đối với tình hình tài chính của 75 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do Nhà nước giữ 100% vốn, số liệu của Chính phủ cho thấy có 9/75 công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, bao gồm cả trường hợp còn lỗ lũy kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định). Cụ thể: Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế là 2.613 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ lũy kế 1.822 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ lũy kế 453 tỉ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM lỗ lũy kế 426 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 156 tỉ đồng...

Theo báo cáo của Chính phủ, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.830 tỉ đồng. Trong đó: Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM lỗ phát sinh 771 tỉ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 518 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV 622-BQP lỗ phát sinh 50 tỉ đồng....

Lỗ phát sinh theo báo cáo của 5 công ty mẹ là 2.369 tỉ đồng. Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM lỗ phát sinh là 1.592 tỉ đồng do trong năm 2021 đã trích lập dự phòng rủi ro cho vay dẫn đến chi phí tăng mạnh; Công ty mẹ - TCT Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 565 tỉ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV 622 lỗ phát sinh 33 tỉ đồng.

Đối với lỗ lũy kế, báo cáo hợp nhất có 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế là 14.703 tỉ đồng. Cụ thể: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 3.038 tỉ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 1.976 tỉ đồng; Tổng công ty Cà phê 857 tỉ đồng; Tổng công ty 15 (548 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng 77 tỉ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội 69 tỉ đồng; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn 61 tỉ đồng…

Còn 9 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 5.532 tỉ đồng gồm: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2.612,7 tỉ đồng); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (1.822 tỉ đồng); Tổng công ty Cà phê (453 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (426 tỉ đồng); Tổng công ty 15 (156 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng (54 tỉ đồng).

Dù vậy, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết các Công ty mẹ có số nộp lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước lớn như: Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội đã nộp 16.781 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nộp 11.635,8 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước đã nộp 8.833 tỉ đồng; Công ty mẹ - TCT Thương mại Sài Gòn đã nộp 2.256 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã nộp 1.478 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nộp 1.472,6 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã nộp 1.137,8 tỉ đồng.

Giá xăng nhập đang tăng mạnh

Theo dữ liệu của Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore đã tăng mạnh lên mức gần 98 USD/thùng. Mức giá này tương đương ngày 17-1, khi đó giá xăng trong nước (A95) gần chạm mốc 24.000 đồng/lít.

Trong nhiều ngày qua, giá xăng nhập chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, liên tục dao động quanh mức từ 94-98 USD/thùng, vì ảnh hưởng trước mức tăng của giá dầu thô toàn cầu.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/10 - Ảnh 2
Giá xăng nhập đang tăng mạnh.

Giá của nhiều loại dầu thô đã vọt trên mốc 90 USD/thùng. Nguyên nhân, mùa đông đang đến gần khiến nhu cầu dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, giá dầu thô toàn cầu vẫn chưa thể chạm mức 100 USD/thùng như trước vì tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng mạnh.

Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ cho biết tồn kho dầu thô tăng 9,9 triệu thùng.

Doanh số ô tô của Việt Nam trong tháng 9 tăng 8,5%

Đây là thông tin vừa được Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam công bố về doanh số bán ô tô trên thị trường Việt Nam tháng 9 vừa qua.

Cụ thể, doanh số bán ô tô toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 9/2022 đạt 33.463 xe các loại, tăng 8,5% so với tháng trước.

Trong tổng doanh số trên có 25.611 xe du lịch, tăng 2%; 7.539 xe thương mại, tăng 37%; và 313 xe chuyên dụng, tăng 17% so với tháng trước.

Về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 17.193 xe, tăng 11% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc là 16.270 xe, tăng 6% so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán hàng đạt 296.403 xe các loại, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có 231.698 xe du lịch, tăng 78%; 40.495 xe thương mại, tăng 10% và 4.210 xe chuyên dụng, tăng 2% so với năm 2021.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/10 - Ảnh 3

Tính đến hết tháng 9/2022, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 169.958 xe, tăng 58% trong khi xe nhập khẩu là 126.445 xe, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2022 thị trường ô tô Việt Nam lần đầu tiên có thể đạt ngưỡng khoảng gần 500.000 xe, đây là cột mốc được gỡ bỏ mác “thị trường nhỏ” và tiền đề thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ và đầu tư dây chuyền sản xuất ô tô thay vì chỉ nhập khẩu hay lắp ráp.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới đang dần ổn định cùng nguồn cung linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước dần ổn định, nguồn cung xe và thị trường ô tô Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.