Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/6
Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Châu Âu nhập khẩu khối lượng LNG kỷ lục... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/6/2022.
Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020
Sáng ngày 15/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 với 453/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,96% tổng số đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách xã hội, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực chậm lại… nhưng tổng thu ngân sách đạt 98,2% dự toán, thu nội địa vượt 0,2% dự toán, tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6% tăng so với năm trước, nợ thuế giảm 0,63%; bội chi ngân sách được điều hành quản lý chặt chẽ thấp hơn dự toán Quốc hội giao.
Tỷ lệ nợ công đã giảm, kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm đã góp phần cũng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc dự báo, đánh giá tình hình, công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2020 còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, HĐND, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng NSNN, quyết toán NSNN để không lặp lại các tồn tại, hạn chế này trong các năm sau.
Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán NSNN năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN: Kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế; Thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng NSNN, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách phù hợp để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Đồng thời, tăng cường tính chủ động cho các địa phương; chấn chỉnh quản lý chi đầu tư từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán đến tổ chức, triển khai thực hiện, quyết toán các dự án đầu tư; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn; khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán NSNN niên độ năm 2020; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN…
Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020:
- Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.279.735.577 triệu đồng.
- Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.352.929.840 triệu đồng.
- Bội chi ngân sách nhà nước là 216.405.589 triệu đồng, bằng 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
- Nguồn bù đắp bội chi ngân sách Trung ương gồm: Vay trong nước 178.515.161 triệu đồng; vay ngoài nước 34.573.432 triệu đồng.
- Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 436.059.742 triệu đồng.
Giá Bitcoin rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020
Ngày 15/6, giá đồng tiền điện tử Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng, kéo theo giá của các đồng tiền điện tử khác đi xuống.
Cụ thể, giá đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới đã giảm 6,3% xuống còn 20.715,69 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Theo đó, giá Bitcoin thấp hơn khoảng 70% so với mức cao kỷ lục vào tháng 11 năm ngoái khi giao dịch quanh mức 69.000 USD. Giá đồng tiền điện tử này đã “bốc hơi” khoảng 28% kể từ ngày 10/6 vừa qua và mất hơn 50% từ đầu năm đến nay.
Nhiều loại tiền điện tử khác cũng chung số phận. Giá Ether, đồng tiền điện tử có giá trị thứ hai, giảm tới 9,4% xuống còn 1.090 USD.
Giá của Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác đồng loạt lao dốc sau khi nền tảng vay và cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới Celsius (Mỹ) tạm dừng tất cả các hoạt động rút tiền, hoán đổi tiền và chuyển tiền giữa các tài khoản, dấy lên lo ngại thị trường tài sản số sẽ “sụp đổ”. Bên cạnh đó, những tài sản rủi ro từ tiền điện tử đến cổ phiếu đang chịu sức ép lớn trước khả năng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát đang tăng vọt tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh giá đồng tiền điện tử tiếp tục lao dốc, các sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase và BlockFi thông báo sẽ sa thải hàng trăm nhân viên, tương đương với 20% lực lượng lao động, để có thể duy trì hoạt động.
Theo ông Brian Armstrong, Giám đốc điều hành (CEO) Coinbase, trong ngày 15/6, các nhân viên của Coinbase, sàn giao dịch từng đứng đầu tại Mỹ, sẽ nhận được email thông báo cụ thể về việc cắt giảm nhân sự. Gần 20% trong tổng số khoảng 1.100 nhân viên của Coinbase sẽ mất việc, dù sàn này trước đó không tuyển thêm lao động.
Quyết định của Coinbase được được ra sau động thái tương tự của một sàn đối thủ là BlockFi, khi CEO của sàn này là ông Zac Prince thông báo sa thải 20% lực lượng lao động, với khoảng 170 người, vào ngày 13/6. Ông Prince nói, cũng như nhiều công ty khác trong lĩnh vực công nghệ, BlockFi chịu tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng từ sự thay đổi mạnh mẽ của các điều kiện kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, cả hai sàn cũng chịu sức ép khi các đồng tiền điện tử lại lao dốc.
Châu Âu nhập khẩu khối lượng LNG kỷ lục
Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã chứng kiến mức nhập khẩu LNG cao kỷ lục vào tháng 4 vừa qua, khi nhập khẩu trung bình đạt 16,5 tỷ ft3 mỗi ngày (Bcf/ngày) và vượt quá 19 Bcf vào một số ngày trong tháng đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm 14/6.
Nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng vọt trong năm nay do tồn kho khí đốt ở mức thấp trong lịch sử từ mùa thu năm 2021 đến mùa xuân năm 2022. Khí đường ống không đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu, trong khi giá LNG giao ngay ở châu Âu cao hơn so với châu Á đã thu hút các nhà cung cấp linh hoạt điểm đến để vận chuyển LNG đến Châu Âu.
EIA nói rằng các nhà cung cấp này chủ yếu đến từ Mỹ.
Trong năm tháng đầu năm 2022, nhập khẩu LNG của EU và Vương quốc Anh đạt trung bình 14,9 Bcf/ngày, cao hơn 66% so với mức trung bình hàng năm vào năm 2021 và cao hơn 4,7 Bcf/ngày so với mức kỷ lục trước đại dịch là 10,3 Bcf/ngày hồi năm 2019, theo dữ liệu từ CEDIGAZ được EIA trích dẫn.
Hiện nay, 14 quốc gia ở châu Âu có các cơ sở nhập khẩu LNG, nhưng việc sử dụng các cơ sở này khác nhau tùy theo khu vực. EIA lưu ý rằng, các phần phía Bắc và phía Nam của mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên châu Âu chưa được tích hợp hoàn toàn.
Khi châu Âu muốn loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga vào năm 2027, nhiều quốc gia đang tìm kiếm các thị trường LNG mới, cũng như các hợp đồng cung cấp với các nhà xuất khẩu khí đốt khác ngoài Nga.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có kế hoạch đối với hai cơ sở nhập khẩu LNG tại Brunsbuettel và Wilhelmshaven.
Trong hơn 6 tháng nay, châu Âu là động lực chính thúc đẩy nhu cầu LNG toàn cầu khi nước này tìm cách thay thế càng nhiều nguồn cung cấp khí đốt theo đường ống của Nga càng sớm càng tốt.
Kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa thu năm ngoái, châu Âu đã thay thế châu Á trở thành động lực tăng trưởng của nhu cầu LNG.
Cổ phiếu lại nằm sàn la liệt, chứng khoán 'nín thở' chờ FED quyết định lãi suất
Dù phiên sáng mở cửa trong sắc xanh, nhưng với việc thanh khoản không mấy ủng hộ, bên bán chiếm ưu thế, đã đẩy chỉ số về giằng co sắc đỏ. Chỉ số tiếp tục nới rộng đà giảm, thậm chí rơi “thủng” mốc 1.200 điểm. Tuy nhiên, lực cầu ở vùng giá thấp tham gia “bắt đáy” đã giúp VN-Index hồi phục từ đây.
Các mã bán lẻ tích cực “kéo” chỉ số: MWG, PNJ, FPT. Một số nhóm như thủy sản, phân bón khẳng định sức mạnh thị trường. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu dẫn dắt hoặc có khả năng dẫn dắt thị trường đang ở mức rất thấp. Thị trường mất các trụ đỡ quan trọng, nhóm ngân hàng, bất động sản.
Còn lại, áp lực bán bao trùm nhiều nhóm ngành, trong VN30 có GVR, SSI giảm sàn. Liên tục từ đầu tuần, cổ phiếu chứng khoán bị bán mạnh, và hôm nay số mã giảm sàn tăng vọt: HCM, AGR, CTS, VIX, BSI, VND, FTS, APG, SSI, TVC. Thị trường dự đoán Fed tăng lãi suất nên dòng chứng khoán là dòng bị ảnh hưởng rất mạnh trong phiên hôm nay.
Nhóm thép cũng tiếp tục chịu áp lực bán mạnh: NKG, HSG, TLH, NSH. Từ đầu tuần đến nay, 2 nhóm này liên tục lao dốc, rơi mạnh hơn thị trường chung.
Hầu hết nhóm ngành có số mã giảm chiếm áp đảo, và ở nhóm bất động sản, cổ phiếu giảm sàn chiếm áp đảo: ITA, SCR, DXG, TDH, HAR, QCG, DXS, GEX, DIG, DRH, LDG.
Thanh khoản phiên hôm nay dù tăng hơn khoản 10% so với phiên trước, nhưng vẫn ở mức thấp, trên HoSE chỉ 14.784 tỷ đồng. Dòng tiền khá thận trọng, dù phiên trước đó thị trường hồi phục nhẹ. Ngoài những yếu tố trong nước, thì diễn biến cuộc họp 2 ngày 15-16/6 của Fed cũng là điều được mong chờ. Giới phân tích nhận định, nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% - 0,75% nhằm ứng phó với biến số lạm phát.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thông thường Fed tăng lãi suất thì dòng tiền vốn ngoại sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng Việt. Tuy nhiên, có khả năng giai đoạn này không ảnh hưởng nhiều, bởi tỷ trọng khối ngoại hiện khoảng 16%, thời gian gần đây đã quay lại mua ròng và chiếm tỷ trọng hơn 16%.
Dù vậy, quyết định của Fed và những ảnh hưởng trên thị trường quốc tế, có thể gây phần nào ảnh hưởng tâm lý với thị trường trong nước.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 16,38 điểm (-1,33%) xuống 1.213,93 điểm. HNX-Index giảm 6,83 điểm (-2,35%) xuống 283,25 điểm. UPCoM-Index giảm 1,97 điểm (-2,17%) xuống 88,65 điểm. Khối ngoại bán ròng trở lại 180 tỷ đồng.
Hà Lan